Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam khi đang được xây dựng, Huế năm 1900. Nhà thờ có lịch sử từ năm 1682, thời các chúa Nguyễn, khi đó chỉ là nhà nguyện được dựng bằng tranh tre. Sau nhiều lần mở rộng và xây mới, đến đầu thế kỷ 20, nhà thờ đã trở thành một công trình bằng đá chắc chắn.
Hình ảnh nhà thờ Phủ Cam trên một bưu thiếp thời thuộc địa. Kiến trúc ban đầu của nhà thờ mang phong cách Gothic với điểm nhấn là các chóp nhọn trên mái.
Nhà thờ Phủ Cam thập niên 1920.
Nhà thờ Phủ Cam năm 1931.
Nhà thờ Phủ Cam năm 1961. Từ năm 1960, sau khi Giáo phận Huế được nâng lên hàng Tổng giáo phận, Tổng Giám mục Huế Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã có chủ trương xây mới nhà thờ Phủ Cam theo đồ án do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thực hiện. Ảnh: John Dominis/ Life.
Các em nhỏ ở sân nhà thờ, năm 1961. Ðầu năm 1963, nhà thờ cũ được phá dỡ để khởi công xây dựng nhà thờ mới. Khi cuộc đáo chính lật độ chế độ Diệm - Nhu xảy ra tháng 11/1963, việc xây dựng bị chững lại. Ảnh: John Dominis/ Life.
Tới năm 1967, nhà thờ mới lên được phần cung thánh. Trong khi việc xây dựng đang được tiến hành, nhà thờ Phủ Cam lại bị phá hủy trong chiến sự Mậu Thân 1968 ở Huế.
Nhà thờ Phủ Cam nhìn từ máy bay, 1969, với phần mặt trước còn ngổn ngang. Sau 1975, việc xây dựng được tiến hành chậm và đến năm 1995 phần thân nhà thờ về cơ bản được hoàn thành. Ảnh: Mike Leavenworth.
Nhà thờ Phủ Cam ngày nay.
T.B (tổng hợp)