Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…

Trước đây, tôi chẳng biết nhiều hơn về Lê Vinh ngoài những tấm ảnh chụp anh với mái tóc xoăn, đôi mắt hơi buồn trên báo và những dòng 'tự bạch' giản đơn: 'Nơi tôi sinh, Hà Nội/ Ngày tôi sinh, một ngày bỏng cháy'. Thế rồi, sức ám ảnh của giai điệu bài hát và đặc biệt là vụ kiện gây xôn xao dư luận của tác giả 'Hà Nội và tôi' đã khiến tôi biết nhiều hơn, kỹ hơn về Lê Vinh.

Tranh: Công Quốc Hà.

Tranh: Công Quốc Hà.

Tốt nghiệp khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tưởng rằng Lê Vinh sẽ chuyên tâm với công việc “gõ đầu trẻ” nhưng rồi nghề sư phạm đã không đủ sức neo giữ anh ở lại bởi lòng say mê âm nhạc được nhen nhóm từ thời phổ thông vẫn luôn cháy bỏng trong anh.

Mặc dù chỉ tự mày mò học nhạc, chơi đàn nhưng anh đã dũng cảm dấn thân vào con đường đầy vinh quang và cũng không kém phần trắc trở là âm nhạc. Âm nhạc đến với anh vào những năm cuối đại học, khi mà anh bắt đầu “nảy ra ý định quái gở là viết nhạc”.

Lê Vinh thường cho mình là một người lang thang, “lang thang là ý nguyện tìm cảm giác, là sự chấp nhận sóng gió của số phận” và lang thang cũng là để anh có thể tìm cho mình những chất liệu để viết. Phải chăng vì thế mà anh viết nhanh, viết khỏe, viết như thể thiên bẩm, “cầm bút là viết, viết như thể tự nhiên” và thành quả là một gia tài âm nhạc không hề khiêm tốn.

Khởi điểm là những bài hát đầu tay chưa thực sự gây được chú ý, thế rồi lần lượt “Hà Nội và tôi”, “Mùa hoa cải”, “Biển đêm”, “Cây bàng thời gian”… và hàng trăm ca khúc khác cứ nối tiếp nhau ra đời để làm đầy thêm album âm nhạc của anh.

Với “Hà Nội và tôi”, Lê Vinh tâm sự: “Khi viết những dòng nhạc này, tôi có một cảm giác lạ lắm. Mơ ước một mái nhà, mái nhà tuổi thơ, muốn về những nơi đó gợi cảnh ly tán: mẹ mất, anh trai mất, tôi đi lang thang. Đó cũng là nơi nuôi dưỡng nhưng lại không thực hiện được ước vọng”.

Và bắt nguồn từ những xúc cảm ấy, những dòng tâm sự cứ trải ra trước mắt người nghe: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó/ Đêm lặng nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than…”. Chậm rãi, du dương với những hoài niệm, giai điệu, ca từ mượt mà và sâu lắng của “Hà Nội và tôi” cứ đan cài vào lòng người đang xa Hà Nội một nỗi nhớ “khắc khoải nơi trái tim”.

Dường như khi cầm bút viết ca khúc này, như một nỗi niềm sâu kín, Lê Vinh chỉ có ý định để hát một mình, để giải tỏa những nhớ mong Hà Nội, nơi có kỷ niệm ấu thơ, nơi có gia đình, bè bạn và để “giải thoát” lòng mình ra khỏi hoàn cảnh éo le: không có việc làm, không có nhà ở… Nhưng rồi, “hữu xạ tự nhiên hương”, anh đã tìm thấy cho mình những người đồng cảm và từ khi ấy, những lời ca da diết của “Hà Nội và tôi” đã không chỉ còn là của riêng anh…

Biết bao ca sĩ đã thể hiện “Hà Nội và tôi”. Ban đầu, Lê Vinh đưa bài hát cho một số nữ ca sĩ biểu diễn và sau đó là Ngọc Tân, Trung Đức… đã tìm đến với “Hà Nội và tôi” nhưng người gắn bó nhất với “Hà Nội và tôi” có lẽ là giọng ca trầm ấm và đầy tâm trạng của Ngọc Tân - người đã thể hiện khá thành công nhiều ca khúc về Hà Nội.

Bài hát này được Ngọc Tân biểu diễn lần đầu tiên trong một chương trình riêng của mình ở sân khấu Nhà hát Lớn rồi ở TPHCM và cho dù ở đâu, bài hát đều được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.

Ca sĩ Ngọc Tân. Ảnh tư liệu.

Ca sĩ Ngọc Tân. Ảnh tư liệu.

Ca sĩ Ngọc Tân khi còn sống từng tâm sự, mỗi khi hát đến đoạn: “Những ngày tôi lang thang, tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội/ Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi, mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi/ Tuổi thơ đã đi qua không trở lại, cháy hết mình, cánh phượng nhẹ nhàng rơi/ Hà Nội ơi… thời gian có bao giờ phôi pha như nước Hồ Gươm xanh vời vợi, như hương hoa sữa nồng nàn đắm đuối bước chân tôi qua bao nẻo đường, vẫn mong một ngày trở về Hà Nội ơi…”.

“Hà Nội và tôi” luôn khiến anh có cảm giác như muốn khóc. Và cái mong ước một ngày trở về Hà Nội đã thôi thúc lâu nay lại càng mạnh mẽ hơn.

Và như thế, “Hà Nội và tôi” - một ca khúc được sáng tác bởi một nhạc sĩ nghiệp dư và không được người thưởng thức đón nhận ngay từ đầu nay đã tìm cho mình một chỗ đứng trong lòng khán thính giả, trở thành một trong những bài hát hay về Thủ đô của cả nước. Phải chăng, đó chính là cái “được” lớn nhất mà bất cứ người sáng tác nào cũng hằng mong đợi.

LAN DUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngo-nho-pho-nho-nha-toi-o-do-10267418.html