Ngô vụ đông mang lại cuộc sống no đủ cho người dân Na Ten

ĐBP - Những hàng bán ngô xếp dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc và là địa điểm dừng chân nghỉ ngơi, ngồi bên bếp lửa ăn bắp ngô luộc nóng hổi của nhiều người khi gần đến cửa ngõ TP. Ðiện Biên Phủ. Tận dụng khu đất trống, rộng rãi ven quốc lộ 12, nhiều hộ dân bản Na Ten, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) dựng lán tạm, bán ngô phục vụ khách đi đường đã nhiều năm nay. Chủ động, linh hoạt tạo mô hình kinh tế mới, cây ngô đã và đang giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn.

Người dân Na Ten thu hoạch ngô nếp vụ đông.

Ngay sau lưng những sạp bán ngô nếp tươi, ngô luộc, ngô nướng, ngô bao tử là cả cánh đồng ngô mênh mông đang vào vụ thu hoạch của bản Na Ten. Ngô được bẻ trên cây về, bóc đi một vài lớp áo rồi liền được cho vào nồi luộc ngay tại lán. Vì thế ngô luôn tươi, ngon, ngọt, dẻo, thu hút nhiều khách đi đường dừng mua, người dân từ TP. Ðiện Biên Phủ đến mua. Ngô còn được đặt hàng chuyển đi các huyện trong tỉnh và nhiều tỉnh ngoài như: Lai Châu, Sơn La, Hà Nội… Chúng tôi chọn 1 hàng ngô, ngồi sưởi ấm, bà Lù Thị Ánh, chủ hàng đang tất bật đóng bao ngô 200 bắp, chờ xe chuyển lên Sìn Hồ (Lai Châu). Bà Ánh cho biết: “Nhà tôi trồng và bán ngô 5 năm rồi nên nhiều mối quen. Ở xa chỉ cần gọi điện, tôi gửi xe rồi xe thu tiền giúp. Mấy năm trước thì vào chính vụ mỗi ngày bán được 700 - 800 bắp. Năm nay đông người bán quá thì mình cũng giảm nhưng trung bình vẫn được 400 - 600 bắp/ngày. Ðầu mùa khi trong bản chưa thu hoạch được ngô hoặc ít ngô quá, tôi còn mua ngô của bản khác về luộc bán”.

Ðược biết, bản Na Ten bắt đầu trồng ngô là cây vụ đông từ năm 2014. Ðây cũng là mô hình cây vụ đông đầu tiên của xã Hua Thanh. Người dân tự bỏ vốn, học hỏi trồng theo nhóm với hơn 10 hộ tham gia. Ban đầu trồng cả ngô nếp và ngô tẻ. Nhận thấy ngô nếp có giá trị kinh tế cao hơn nên từ năm 2015, các hộ đều chuyển sang ngô nếp. Cũng từ đó, các hộ dân đã linh động luộc ngô và bán ngô tươi để đáp ứng nhu cầu khách qua đường. Giống ngô mà người dân Na Ten trồng là ngô nếp HN90, hạt chắc, dẻo, có màu tím và trắng, thời vụ ngắn để kịp thời gian gieo cấy vụ lúa đông - xuân. Ông Cà Văn Phớ, Trưởng bản cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng ngô vụ đông, kể lại: “Người dân Na Ten trông chờ chủ yếu vào mấy mảnh ruộng, năm nào được mùa thì có tiền ăn tết, mất mùa thì sợ thiếu thóc ăn. Vì vậy gia đình tôi cùng một số hộ có ruộng liền kề mới bàn nhau cùng trồng thử ngô vụ đông, ban đầu trồng ngô tẻ phục vụ chăn nuôi. Sau thấy ngô nếp được giá và kinh tế hơn vì tận dụng được cả lá, cây, áo ngô, râu ngô, trâu bò cũng thích ăn thân ngô nếp hơn vì cây mềm, nên chuyển hẳn sang trồng ngô nếp. Từ đó đến nay diện tích trồng ngô vụ đông của bản liên tục tăng hàng năm”.

Ðến năm 2020, cả bản đã có hơn 13ha ngô nếp vụ đông với hơn 50 hộ tham gia, tăng hơn 4ha so với năm 2019. Hộ trồng nhiều nhất khoảng 6.000 - 7.000m2. Từ 10 lán bán ngô bên đường nay cũng lên đến hơn 20 lán, tạo thành hàng dài tấp nập mua và bán. Giá bán đầu mùa là 10.000 đồng/3 bắp ngô, vào vụ thì 10.000 đồng/4 - 5 bắp. Người dân không lo đầu ra bởi thương lái tự tìm đến đặt mua và bán tại chỗ khá “chạy”. Trung bình 1.000m2 ngô nếp vụ đông (trồng trong hơn 3 tháng), trừ chi phí thì người dân thu lợi từ 4 - 5 triệu đồng, không tính phụ phẩm cho chăn nuôi. Gia đình bà Quàng Thị Hương trồng hơn 4.000m2. Trung bình mỗi ngày vào vụ thu hoạch, bà cùng con gái bán được gần 1 triệu đồng tiền ngô, bán trong gần 1,5 tháng. Bà Hương chia sẻ: “Từ lúc trồng ngô, gia đình bớt khó khăn, có tiền mua sắm đồ dùng cần thiết và sẵn sàng chuẩn bị đón tết. Trồng ngô cũng dễ hơn và không vất vả như trồng lúa, không phải chăm bón nhiều. Thu hoạch xong, chặt gốc, lấy nước vào ruộng rồi phay, bừa lại làm vụ lúa mới luôn được. Vì vậy 7 năm nay, năm nào nhà tôi cũng trồng ngô vụ đông”.

Gia đình bà Lò Thị Pâng cũng có 900m2, mỗi năm bán được khoảng 10 triệu đồng. Thân cây và lá để làm thức ăn cho 2 con bò, không phải lo chăn dắt, đặc biệt trong thời tiết rét, lạnh như hiện tại. Nhờ cây ngô vụ đông, người dân Na Ten có thêm thu nhập, có hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Từ đó nhiều hộ thoát được nghèo. Theo rà soát vừa hoàn thành thì Na Ten hiện chỉ còn 6 hộ nghèo, có những hộ mới thoát nghèo nhờ trồng ngô vụ 3 và tận dụng thân cây phát triển chăn nuôi như gia đình anh Lò Văn Dũng, Lò Văn Sương (mỗi hộ có 1.000m2 ngô trồng sớm, giá bán cao và nuôi 2 - 3 con bò).

Anh Thào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh cũng nhận xét: Trồng ngô vụ 3 được phát triển đầu tiên tại bản Na Ten, đây là mô hình điểm của xã để các bản khác học và làm theo. Người dân Na Ten chủ động, tiên phong và sáng tạo phát triển kinh tế nên đời sống người dân khấm khá, đảm bảo, hộ nghèo ít. Từ hiệu quả kinh tế được chứng minh nhiều năm tại bản Na Ten, năm 2020 xã đã thử nghiệm triển khai ngô vụ đông tại các bản Tâu 5, 6, 7 và bản Co Pục, nâng tổng diện tích ngô vụ đông lên gần 25ha. Trồng ngô và chăn nuôi gia súc được xác định là hai hướng đi chính trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Ðến thời điểm hiện tại, ngô vụ đông đang vào cuối vụ, muộn hơn so với mọi năm do thời tiết ít mưa. Thời điểm này các ruộng cùng khu vực đã làm đất chuẩn bị gieo cấy. Theo thông tin từ xã, bản, nếu không kịp thu hoạch ngô để trồng lúa, người dân Na Ten có thể sẽ tiếp tục trồng thêm vụ ngô nếp, kiếm thêm thu nhập trong khi chờ vụ lúa sau.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/184119/ngo-vu-dong-mang-lai-cuoc-song-no-du-cho-nguoi-dan-na-ten