'Ngoại giao cây tre' nâng tầm vị thế Việt Nam
Năm 2023, Hà Nội - Việt Nam trở thành một trong những 'tâm điểm'của truyền thông thế giới khi chứng kiến hàng loạt chuyến thăm cấp Nhà nước của nhiều nguyên thủ quốc gia; chính khách, tổ chức và lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đồng thời, năm 2023 cũng là năm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước công du nước ngoài theo lời mời của lãnh đạo một số quốc gia, dự nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.
Thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa trong công tác đối thoại để tạo môi trường hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh chủ quyền quốc gia của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2023 công tác đối ngoại đã thu được những kết quả rất tốt đẹp.
Trong năm, Việt Nam đã đón nhiều nguyên thủ, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới đến thăm. Từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình; Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden; Tổng thống Hàn Quốc, đến Thủ tướng Australia; Thủ tướng Hà Lan; Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Campuchia... cùng những “siêu” tập đoàn của Hoa kỳ…
Cùng đó, lãnh đạo nước ta: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… cũng đi thăm chính thức nhiều quốc gia, dự họp thượng định của một số tổ chức lớn trên thế giới. Đáng chú ý, trong chuyến thăm và làm việc với Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai bên đã thống nhất lập Văn phòng đại diện thường trú của Vatican tại Việt Nam. Đây là một trong những dấu mốc lịch sử không chỉ trong mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Tòa thánh Vatican mà còn nâng công tác đối ngoại của nước ta lên tầm cao mới.
Như đã đề cập, năm 2023, Việt Nam đã đón lãnh đạo hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới đến thăm. Trong chuyến thăm chính thức nước ta từ ngày 30/10 - 1/11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai bên đã nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”. Đây được xem là kim chỉ nam định hình xây dựng quan hệ chiến lược của hai quốc gia trong thời gian tới, vì hòa bình khu vực và thế giới, vì sự phát triển của hai đất nước.
Còn chuyến thăm của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10 - 11/9, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên hai bậc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là bước tiến dài chưa từng có trong lịch sử của hai quốc gia. Điều đặc biệt, không chỉ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đây là lần đầu tiên Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden và tiến hành Hội đàm cấp cao, ra Tuyên bố chung tại Văn phòng Trung ương Đảng. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ tôn trọng thể chế Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong mọi lĩnh vực vì sự thịnh vượng chung của hai quốc gia, vì sự ổn định trong khu vực và thế giới.
Điều cần nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, việc chúng ta gặt hái thành công trên mặt trận đối ngoại góp phần hiện thực hóa chiến lược “trong ấm, ngoài êm”. Nếu không tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác thì không thể có ổn định để phát triển kinh tế. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8% tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Thành công nối tiếp thành công, lần đầu tiên khái niệm “ngoại giao cây tre” được nâng lên tầm cao mới. Đây là sự tổng kết và khái quát hóa rất cao nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam được xây dựng và phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc đã trường tồn qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn giải thích rõ hơn về hình tượng “ngoại giao cây tre Việt Nam”, cụ thể: Gốc vững, là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia, dân tộc, là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời… Thân chắc, là phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn; là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật… Cành uyển chuyển là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biết dừng, biết biến”…
Quý Mão đã qua, Giáp Thìn 2024 đã đến, phát huy nền “ngoại giao cây tre”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đối ngoại sẽ còn gặt hái thành công hơn nữa trong năm mới.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngoai-giao-cay-tre-nang-tam-vi-the-viet-nam-165144.html