Ngoại giao đa phương: Mỗi thời mỗi khác nhưng luôn tỏa sáng
Một phần sự nghiệp không nhỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội gắn liền với ngoại giao đa phương. Với bà, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, ngoại giao đa phương Việt Nam lại mang cái 'chất' của riêng mình.
Đoàn kết quốc tế và tập hợp lực lượng
Bà Ninh cho rằng, thời kháng chiến, Việt Nam đã thực hành ngoại giao đa phương để xây dựng được mặt trận đoàn kết thế giới với Việt Nam, góp phần quan trọng trong quá trình Việt Nam đấu tranh giành lại độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.
Các nỗ lực ngoại giao đa phương trong kháng chiến có những khó khăn về cả điều kiện vật chất và đội ngũ cán bộ. Thời đó Việt Nam cũng có rất ít các Cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Tuy vậy, giai đoạn này, theo bà Ninh cũng có những mặt thuận lợi, đó là tính chính nghĩa của Việt Nam, sự nghiệp ngoại giao và đối ngoại nói chung của Việt Nam thời đó sáng ngời tính chính nghĩa.
Người tham gia mặt trận đối ngoại dù với bộ trang phục giản dị nhưng bước đi với một hào quang rực sáng.
Mặt trận đoàn kết thế giới với Việt Nam cũng có thể được coi là một hình thức tập hợp lực lượng hay một phương thức ngoại giao đa phương như ở Phong trào Không liên kết (KLK) và Liên hợp quốc (LHQ).
Thời đó, Việt Nam vừa vận động các nước Xã hội chủ nghĩa nhưng cũng vận động cả các nước châu Phi, Tây Âu…, do vậy, Việt Nam có kinh nghiệm về tập hợp lực lượng.
Đồng thời, trong kháng chiến, Việt Nam còn có kinh nghiệm ứng phó với các nước lớn như Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và tranh thủ các nước nhỏ như Lào, Campuchia.
Đối với giai đoạn cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1990, nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, đây là thời kỳ đặc biệt khó khăn của ngoại giao đa phương trên các diễn đàn quốc tế, phần lớn là do vấn đề Campuchia.
Tại LHQ, Việt Nam bị công kích hết sức nặng nề rằng nước ta xâm lược Campuchia. Trong các nước ASEAN, đi đầu là Singapore và Thái Lan. Thêm vào đó, năm 1991, khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Việt Nam đã mất hoàn toàn một “chỗ dựa”.
Tư duy ngoại giao, đối ngoại của Việt Nam vào thời điểm này cũng chưa thực sự cởi mở.
Tuy nhiên, theo bà Ninh, trước những khó khăn ấy, Việt Nam có một thế hệ các nhà ngoại giao kiệt xuất cả về chiến lược và sách lược.
Bà Ninh nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã biết xây dựng khuôn khổ đàm phán và giải pháp hòa đàm đa phương.
Lấy ví dụ, trong Phong trào KLK, có một cơ chế được gọi là Like-Minded - tập hợp những nước có cùng chí hướng. Phong trào KLK có thành phần rất đa dạng, từ hữu sang tả, các thành phần vô cùng khác nhau. Thông thường, Việt Nam được mời tham gia với những nước có quan điểm tiến bộ.
Như vậy, thời kháng chiến, Việt Nam biết xây dựng tập hợp lực lượng và sau khi hòa bình lặp lại, Việt Nam cũng biết tham gia những tập hợp lực lượng như trong Phong trào KLK.
“Phất cao ngọn cờ”
Đến năm 1995 đã kết thúc thời kỳ khó khăn lớn của đối ngoại Việt Nam, bước vào giai đoạn đối ngoại thời nay, đánh dấu bởi mức độ hội nhập sâu hơn, sắc hơn.
Bà Ninh từng là một trong những thành viên của Ban tổ chức Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ bảy tại Hà Nội, năm 1997. Đây là Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đa phương đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, mở đường cho chỉ một năm sau Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN cũng rất thành công.
Theo bà Ninh, giai đoạn năm 1997-1998, Việt Nam đã trưởng thành một bước quan trọng trong việc đáp ứng những đòi hỏi, xây dựng tư thế hội nhập quốc tế. Việt Nam không chỉ tham gia với “thiên hạ”, mà còn có năng lực và điều kiện để đón tiếp “thiên hạ”.
“Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ năm 1997 đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp với đại biểu những nước tham gia. Năm 1999, khi tôi tháp tùng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đi dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 8 tại Canada, trong khi xếp hàng lấy thẻ vào hội nghị, trước tôi có hai ông, có vẻ đến từ châu Phi, bàn luận rằng: “Hội nghị tại Hà Nội ngoạn mục hơn nhiều”, họ dành những lời khen cho hội nghị năm 1997 ở Việt Nam.
Trong quá trình Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các “câu lạc bộ”, tổ chức, cơ chế đa phương, quan sát phương cách và kết quả tham gia của Việt Nam, bà Ninh nhận định đây là một sự tham gia bài bản và khôn ngoan.
Việt Nam hiểu ngay từ đầu phương châm không thể thiếu “Give and Take” - Có đi có lại. Trong đa phương, khi đàm phán những văn kiện, công ước, hiệp định, chúng ta vẫn phải vận dụng phương châm thực tế này.
Thông qua thời gian tham gia các cơ chế và diễn đàn đa phương, rõ ràng, toát lên phẩm chất và thế mạnh rất cần thiết ngày nay của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, đó là sự đáng tin cậy (trustworthy).
Theo bà Ninh, khi thế giới đang bất định, khó dự đoán như ngày nay, Việt Nam đáng tin cậy, tạo được sự tín nhiệm nhất định từ bạn bè quốc tế. Khi “ngọn cờ” đến, Việt Nam không ngại “phất”, song việc phất ngọn cờ đó là dựa trên dung hòa được tốt cái chung của quốc tế và cái riêng của quốc gia.
Mỗi câu chuyện một bài học
Nhiều năm gắn bó với công tác ngoại giao đa phương nên bà có nhiều kỷ niệm, mỗi kỷ niệm gắn liền những kinh nghiệm và bài học quý giá.
Nhớ về thời kỳ cam go của vấn đề Campuchia, bà Ninh kể, những năm 1980, ông Kishore Mahbubani, sau này trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Singapore, là Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Singapore tại LHQ.
Trưởng đoàn Việt Nam tham dự thảo luận chung của Đại Hội đồng LHQ khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.
Ngay sau khi nghe bài công kích Việt Nam từ phía Singapore, Trưởng đoàn ta quyết định phải dùng quyền trả lời. Theo quy định của LHQ, trong khuôn khổ Thảo luận chung, các nước được phép giành quyền trả lời.
Cuối ngày, khoảng 5h chiều, Đại hội đồng dành cho Việt Nam quyền trả lời lần thứ nhất, trong 10 phút. Bà Ninh tận dụng thời gian chiều ngày đó để viết ra kỹ càng, cân nhắc cẩn thận với những lời lẽ sắc bén.
Bà luôn nghĩ rằng, tại LHQ hay các diễn đàn đa phương, phát biểu không chỉ là nói với một nước mà là cả thế giới, vì vậy, nội dung nói và cách nói quan trọng. Nếu nói thô thiển, vụng về sẽ giảm tác động thông điệp muốn nói.
Chiều hôm đó, hai bên Việt Nam và Singapore khẩu chiến. Điều mà bà Ninh chú ý là ông Kishore đã mở đầu bằng phần trả lời lại của mình bằng một lời khen rất “lịch sự” rằng (đại ý) lần đầu tiên được nghe một tiếng nói “văn minh lịch sự” từ phía Việt Nam, ngụ ý mỉa mai rằng, trước đó Việt Nam lên tiếng phản bác không phù hợp với diễn đàn lớn, tầm cỡ như LHQ.
Theo bà Ninh, những cơ chế và diễn đàn đa phương là nơi tạo cơ hội linh hoạt hơn một khuôn khổ song phương, để Việt Nam giới thiệu một cách uyển chuyển hơn những quan điểm, chính sách, góc nhìn của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, đòi hỏi trau dồi khả năng diễn đạt và tranh luận bằng ngoại ngữ quốc tế (Anh, Pháp) ở trình độ cao.
Bà Ninh lấy ví dụ về câu chuyện năm 2002. Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã yêu cầu bà Ninh làm Trưởng đoàn Bộ Ngoại giao đi dự kỳ họp Hội đồng Nhân quyền của LHQ tại Geneva. Tại đó, bà có bài phát biểu trong bối cảnh vấn đề xung đột giữa Palestine-Israel khá căng thẳng (thời kỳ Intifada).
Trong bài phát biểu, liên quan đến hiện tượng tấn công bằng nổ bom tự sát, bà có lập luận rằng, không nên coi tất cả người Palestine là những kẻ khủng bố, họ cũng có những nỗi tuyệt vọng nên mới trở thành những người tự sát để tấn công.
Ngay sau khi phát biểu xong, có một số đại diện các nước tới bắt tay. Song điều thú vị nhất là Đại sứ Israel cũng đến bắt tay và nói ông có quan hệ khá thân với Đại sứ Việt Nam tại Geneva.
Bà Ninh đã tranh thủ dịp đó để nói với ông Đại sứ rằng, bà rất nể trọng dân tộc Do Thái vì dân tộc Do Thái có những nhà khoa học uyên bác và nghệ sĩ lớn của thế giới. Nhưng bà không thể đồng tình với chính sách của chính quyền Israel đối với nhân dân, dân tộc Palestine.
Bà nói như vậy để ngăn chặn trước sự hiểu lầm rằng người Việt Nam có tư tưởng bài Do Thái. Cuộc nói chuyện diễn ra không hề có chút căng thẳng nào giữa hai bên.