Ngoại giao dầu khí - Biệt tài của một đất nước 'bé hạt tiêu'
Qatar - quốc gia với diện tích chỉ 11.571 km² và hơn 3 triệu người nhưng có biệt tài về ngoại giao đang được kỳ vọng sẽ là sợi dây kết nối, làm giảm nhiệt xung đột Israel-Hamas, đem lại tín hiệu hòa bình cho căng thẳng ở Trung Đông.
Biệt tài của Qatar chính là “ngoại giao dầu khí”, với cách tiếp cận len lỏi, chiếm được cảm tình tất cả các bên lợi ích trong khu vực.
Đất nước nhỏ bé nhưng giàu khí đốt duy trì mối quan hệ tốt với lực lượng Hồi giáo Hamas, đồng thời là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực. Qatar giữ kênh liên lạc ngầm với Israel, là một trong những quốc gia Arab vùng Vịnh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 1996. Với các nước phương Tây, Qatar cũng là “người bạn” vì là nhà cung cấp năng lượng đồng thời là một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới.
Chính Israel vừa qua đã phải thốt lên rằng Qatar là "bên liên quan thiết yếu trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp nhân đạo" và "những nỗ lực ngoại giao của Qatar rất quan trọng vào thời điểm này”.
Ông Joost Hiltermann, Giám đốc phụ trách Trung Đông tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cũng đưa ra nhận định hòa giải từ lâu đã là một trong những “kỹ năng có thể bán được nhất” của Qatar.
Tuần qua, Qatar đã thể hiện vai trò ngoại giao hàng đầu ở khu vực Trung Đông sau khi “môi giới” thỏa thuận giữa Israel, Ai Cập và Hamas để đưa hàng trăm công dân nước ngoài và người Palestine bị thương ra khỏi Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah (biên giới Gaza - Ai Cập). Thỏa thuận là thành công tiếp theo của Qatar sau các thỏa thuận thả tự do cho các con tin Mỹ và Israel bị Hamas bắt giữ. Hiện nay, nhiều nước có công dân đang bị phía Hamas giữ cũng tìm đến Qatar để nhờ làm cầu nối giải cứu con tin.
Qatar có nhiều thuận lợi như vậy nhưng để hiện thực hóa “sứ mệnh” của mình ở thời điểm này không hề dễ dàng. Qatar đang bị Israel và các chính trị gia phương Tây chỉ trích vì mối quan hệ với Hamas. Tuần trước, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cáo buộc Qatar tài trợ cho Hamas.
Ông Joost R. Hiltermann cho biết "Qatar đang đóng một vai trò mẫu mực" trong các nỗ lực hòa giải xung đột Israel-Hamas, nhưng có một bộ phận chính trị gia Mỹ “không hài lòng với thái độ thân thiện của Qatar đối với Hamas”.
Theo ông Hiltermann, nếu Qatar phải cắt đứt quan hệ với Hamas, đây sẽ là thất bại với Doha và mất đi một lối đi cho hòa bình khu vực.