Ngoại giao động đất 'sưởi ấm' quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp

Sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2, Hy Lạp nhanh chóng gửi cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ - động thái 'hâm nóng' mối quan hệ vốn nguội lạnh giữa Athens và Ankara.

Những người lính cứu hỏa Hy Lạp mang theo chó nghiệp vụ lên chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia vào công cuộc giải cứu người dân nơi đây. (Nguồn: AP)

Những người lính cứu hỏa Hy Lạp mang theo chó nghiệp vụ lên chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia vào công cuộc giải cứu người dân nơi đây. (Nguồn: AP)

Trong một bài phát biểu vào cuối năm 2022, ông Burak Ozugergin, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Hy Lạp vào thời điểm đó, đã bày tỏ hy vọng rằng Ankara và Athens “sẽ không cần hỏa hoạn, động đất hay các thảm họa khác để nhắc nhở hai nước là hàng xóm của nhau”.

Chỉ hơn một tháng sau đó, các trận động đất thảm khốc ngày 6/2 đã làm rung chuyển khu vực biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía Bắc Syria, đồng thời đưa hai nước láng giềng vốn nhiều căng thẳng là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp xích lại gần nhau hơn.

Bàng hoàng trước thảm họa thiên nhiên này, Athens ngay lập tức đề nghị giúp đỡ Ankara, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” trên mọi cấp độ: từ Tổng thống Hy Lạp, chính phủ, các đảng chính trị, đoàn thể tới tất cả các tổ chức xã hội dân sự nước này đều bày tỏ sự đồng cảm và sẵn sàng cứu trợ.

Do có nhiều kinh nghiệm đối phó với động đất, Hy Lạp được xem là một quốc gia có chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Hơn nữa, quãng đường đến Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) không xa, nên chỉ trong vòng vài giờ sau khi xảy ra động đất, đơn vị EMAK đặc biệt do chính phủ Athens cử đi đã đến khu vực xảy ra thảm họa.

Nghĩa cử cao đẹp

Hiện tại, Hy Lạp đã tạm gác lại những bất đồng trong mối quan hệ với Ankara vì trận động đất gây ra hậu quả thảm khốc ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria. Tại đây, các thị trấn và làng quê vốn sống trong cảnh nghèo đói và xung đột, nay lại tiếp tục oằn mình trước sự tàn phá của trận động đất.

Rõ ràng là, ngoại giao động đất giữa hai nước đang được nối lại.

Trước đây, hiện tượng này từng bất ngờ giúp hàn gắn mối quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ năm 1996, cuộc khủng hoảng Imia trên hai hòn đảo nhỏ không có người ở thuộc quần đảo Aegean đã đẩy hai bên đến bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, hai thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra vào 3 năm sau đó đã giúp giảm bớt căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Vào ngày 17/8/1999, Thổ Nhĩ Kỳ trải qua một trận động đất mạnh xung quanh thành phố công nghiệp Izmit, gần Istanbul. Thảm họa này khiến ít nhất 17.000 người chết, hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh vô gia cư.

Bộ Ngoại giao Hy Lạp lúc đó ngay lập tức gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhân viên cứu hộ, bác sĩ và bệnh viện di động. Đồng thời, nước này đã quyên góp và giúp dựng hàng nghìn lều trại, cung cấp thuốc men, nước, quần áo, thực phẩm và chăn màn.

Chỉ một tháng sau, một trận động đất khác rung chuyển thủ đô Athens của Hy Lạp. Lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng cử nhân viên cứu hộ đến giúp nước láng giềng như một nghĩa cử “đền ơn đáp nghĩa”.

Có thể nói chính tinh thần “tương thân tương ái”, tình đoàn kết và sự giúp đỡ nhiệt tình đã xoa dịu mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Ankara và Athens. Từ đó, khái niệm "ngoại giao động đất" đã ra đời.

Trong suốt 10 năm tiếp theo, hai nước đã cố gắng duy trì mối quan hệ nồng ấm này. Vậy nhưng, những năm gần đây lại chứng kiến ngày càng nhiều những cuộc tranh cãi và bất đồng làm căng thẳng trở lại quan hệ hai nước thành viên NATO.

Xoa dịu bất đồng

Hiện nay, ở cả hai nước, các chiến dịch bầu cử đang được tiến hành, các chính trị gia Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều đề cao chủ nghĩa dân tộc, và không cho thấy thiện chí để sẵn sàng thỏa hiệp. Do đó, khó có thể dự đoán liệu thảm họa động đất ngày 6/2 có đủ khả năng để hòa giải mối quan hệ thù địch giữa hai nước hay không.

Tuy nhiên, đúng vào ngày diễn ra thảm họa, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gọi trao đổi sau nhiều tháng không liên lạc trực tiếp. Trong đó, ông Mitsotakis khẳng định, Athens sẽ cam kết dồn mọi nguồn lực để hỗ trợ Ankara, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc của chính phủ và người dân Hy Lạp tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou đã nói chuyện qua điện thoại với ông Erdogan và bày tỏ hy vọng sẽ cứu được càng nhiều người càng tốt. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cảm ơn bà vì sự giúp đỡ của người dân Hy Lạp, cũng như những viện trợ đã được gửi đến.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias, hiện đang ở Brazil, cũng đã liên lạc với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu để gửi lời chia buồn tới các nạn nhân, đồng thời nhấn mạnh Athens sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp và đưa lực lượng cứu hộ tới Ankara.

Tại Hy Lạp, phần lớn các nhà lãnh đạo từ các đảng khác nhau đều cam kết hỗ trợ cho những nạn nhân người Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd và người Syria bị ảnh hưởng do trận động đất, cũng như khẳng định sẽ gửi hỗ trợ quốc tế cần thiết và khẩn cấp để giải cứu những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Từ ngày 6/2 đến nay, các hiệp hội của thành phố Piraeus và Thessaloniki đã quyên góp nhiều chăn, sữa bột, thuốc, băng gạc, tã, xà phòng và các đồ vệ sinh cá nhân khác. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ đã đến miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để kịp thời hỗ trợ.

Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan tối ngày 9/2 (giờ Việt Nam) cho biết, số người chết thiệt mạng sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 đã lên tới 16.170, nâng tổng số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên 19.362.

(theo DW)

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-dong-dat-suoi-am-quan-he-tho-nhi-ky-hy-lap-215832.html