Ngoại giao góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

Từ lâu, công tác biên giới lãnh thổ là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc.

Việt Nam và Campuchia chính thức pháp lý hóa 84% biên giới sau lễ ký các văn kiện hôm 5/10/2019.

Việt Nam và Campuchia chính thức pháp lý hóa 84% biên giới sau lễ ký các văn kiện hôm 5/10/2019.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định mục tiêu chính của đối ngoại Việt Nam là: (i) Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; (ii) Tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; (iii) Nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Cả ba mục tiêu trên đều có phần liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ. Do đó, giải quyết tốt công tác biên giới, lãnh thổ cũng chính là góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đối ngoại.

Khi nói đến vấn đề biên giới lãnh thổ tức là đề cập các vấn đề biên giới đất liền, trên biển, trên không, và với vị trí địa lý của Việt Nam, chúng ta phải giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên. Xử lý vấn đề biên giới lãnh thổ tương đối phức tạp do liên quan đến các yếu tố lịch sử, quan hệ quốc tế, pháp lý, kỹ thuật, chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình quốc tế và có tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với nước ta, một nước có đường biên giới trên đất liền dài hơn 5.000 km và có vùng biển chồng lấn với nhiều nước cũng như chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị tranh chấp và chiếm giữ, quản lý trái phép.

Trong những năm qua, cùng với những thành tựu đối ngoại chung thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc, công tác biên giới, lãnh thổ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xây dựng, bảo vệ đường biên giới trên đất liền rõ ràng, ổn định, hòa bình, hữu nghị và phục vụ phát triển

Đối với tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, sau rất nhiều nỗ lực trao đổi, đàm phán trên tinh thần thiện chí, phù hợp với luật pháp quốc tế, hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn bao gồm việc ký Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 30/12/1999, ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành phân giới, cắm mốc ngày 31/12/2008, ký ba văn kiện pháp lý về biên giới ngày 18/11/2009. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước Việt Nam - Trung Quốc độc lập, có chủ quyền đã hoạch định rõ ràng đường biên giới trên đất liền giữa hai nước bằng các văn bản pháp lý quốc tế có giá trị lâu dài, bền vững và phân giới, đánh dấu rõ ràng đường biên giới bằng một hệ thống mốc giới thống nhất, chính quy, hiện đại. Cùng với việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, ta và Trung Quốc đã giải quyết xong 2/3 vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Từ đó đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và địa phương bảy tỉnh biên giới phía Bắc cùng phía Trung Quốc tiến hành quản lý biên giới theo ba văn kiện pháp lý; giữ vững đường biên, cột mốc; thúc đẩy công tác kết nối. Hai bên đã cùng nhau mở chính thức năm cửa khẩu quốc tế, bảy cửa khẩu song phương, bốn lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác. Thương mại biên giới giữa hai nước ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng khoảng 25%, tức 1/4 tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc. Công tác phối hợp quản lý biên giới trên đất liền đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá là một điểm sáng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung thăm cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung thăm cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang.

Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào, sau khi kháng chiến giành thắng lợi, hai nước đã bắt tay vào trao đổi, giải quyết vấn đề biên giới, bắt đầu tại hội đàm thường niên giữa hai Bộ Chính trị Trung ương hai Đảng vào tháng 2/1976 tại Hà Nội. Trên cơ sở đó, hai nước phối hợp chặt chẽ hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, ký các văn kiện pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới, hoàn thành các công việc quan trọng như giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới để đảm bảo chính quy, hiện đại, trường tồn và thống nhất trên toàn tuyến, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước và đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào đã thực sự bước vào giai đoạn phát triển mới. Nhân dân hai bên thường xuyên qua lại giao lưu, hợp tác, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập… thúc đẩy phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Đối với tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, từ sau năm 1980, hai nước đã cùng nhau đàm phán, thương lượng, ký kết các văn kiện pháp lý quan trọng về vấn đề biên giới. Trong những năm qua, hai nước tiếp tục nỗ lực duy trì trao đổi, đàm phán, phối hợp triển khai phân giới, cắm mốc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó, phải kể đến việc hoàn thành pháp lý hóa thành quả phân giới cắm mốc đối với khoảng 1.045 km đường biên giới, tức khoảng 84% khối lượng trên toàn tuyến, ký Hiệp ước bổ sung và Nghị định thư phân giới cắm mốc năm 2019. Cùng với các hiệp ước, hiệp định đã ký trong những năm 1983, 1985, 2005, Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc cùng hệ thống mốc giới khang trang, hiện đại, bền vững trên thực địa đã góp phần nâng cao chất lượng và hoàn thiện đường biên giới Việt Nam - Campuchia cả về mặt pháp lý và thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc nhận biết đường biên giới trên thực địa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân hai bên biên giới nói riêng và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung, tạo cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục nỗ lực, hợp tác chặt chẽ nhằm hoàn thành khối lượng công tác phân giới cắm mốc còn lại.

Như vậy, bằng nỗ lực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định về biên giới, Việt Nam đã xác lập gần hoàn chỉnh đường biên giới quốc gia trên đất liền với các nước láng giềng, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động trao đổi, hợp tác ở khu vực biên giới; nâng cao đời sống kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng; phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ biển, đảo đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển, tạo môi trường thuận lợi phát triển bền vững kinh tế biển

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam La Chiếu Huy tại hội nghị trực tuyến, ngày 16/7/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam La Chiếu Huy tại hội nghị trực tuyến, ngày 16/7/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đối với các vấn đề trên biển, căn cứ vào các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã từng bước tiến hành đàm phán phân định các vùng biển chồng lấn; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của ta ở Biển Đông; đồng thời thúc đẩy các hoạt động hợp tác về biển với các quốc gia láng giềng và các đối tác trong và ngoài khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng là hòa bình, ổn định của đất nước, khu vực và quốc tế.

Từ năm 1982 đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng với các nước như Campuchia, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc… liên quan đến phân định biển, khai thác chung dầu khí và hợp tác nghề cá. Năm 2006, ta đã giải quyết dứt điểm ranh giới phía Nam của Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh), hoàn tất toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề vùng thông báo bay của Việt Nam, tạo điều kiện cho việc quản lý hiệu quả vùng trời quốc gia, đảm bảo an toàn và cung cấp dịch vụ không lưu. Hiện nay, ta đang tiếp tục duy trì nhiều cơ chế trao đổi với các quốc gia nhằm tăng cường hợp tác và tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp như Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, ba Nhóm công tác về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban Hỗn hợp về biển và đại dương Việt Nam - Philippines, đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, Đối thoại về các vấn đề trên biển với các đối tác như Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ.

Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam cũng ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò và vị thế của mình khi chủ động tham gia và đề xuất nhiều biện pháp kiểm soát tranh chấp, thúc đẩy hợp tác xử lý những mối quan tâm chung của khu vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm cứu nạn, trấn áp tội phạm, duy trì an ninh, an toàn hàng hải và hàng không… cùng các nước thành viên ASEAN khác và Trung Quốc đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác.

Đối với những vụ việc phức tạp xảy ra ở Biển Đông, đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương liên quan theo dõi sát sao, đấu tranh kịp thời, quyết liệt, kiên trì, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo và các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đưa đến nhiều thách thức mới cho công tác biên giới, lãnh thổ, nhất là việc xử lý vấn đề Biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục giải quyết nốt các vấn đề biên giới, lãnh thổ còn tồn đọng với các quốc gia láng giềng cũng như thúc đẩy đường biên giới trên đất liền thực sự trở thành đường biên giới của hòa bình, hợp tác và phát triển. Làm tốt vấn đề này sẽ góp phần tích cực thúc đẩy và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với các quốc gia láng giềng, nâng cao vị thế của đất nước và tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào với đánh giá về thành tựu đối ngoại, trong đó có vấn đề biên giới, lãnh thổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Ngành Ngoại giao đóng vai trò tiên phong trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước”. Đồng thời, chúng ta cũng ý thức về những trách nhiệm nặng nề mà vinh dự, lớn lao mà khó khăn mà Đảng và Nhà nước đã tin cậy giao phó cho ngành Ngoại giao nói chung và công tác biên giới, lãnh thổ nói riêng.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-gop-phan-bao-ve-vung-chac-doc-lap-chu-quyen-thong-nhat-va-toan-ven-lanh-tho-122457.html