Ngoại giao góp phần thống nhất đất nước - bài học cho kỷ nguyên mới
Khi rừng cờ đỏ sao vàng tung bay trong ngày 30/4/1975 mừng đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, lòng mỗi người dân Việt Nam đều trào lên niềm vui sướng và tự hào.
Thầm lặng nhưng rất quan trọng, đó là đóng góp của ngoại giao vào việc thực hiện thành công mục tiêu cách mạng thống nhất đất nước. Cho đến hôm nay, thắng lợi đó vẫn để lại những bài học còn nguyên giá trị, khi đất nước bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN).
Robert McNamara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn chiến tranh đã từng gọi sự can thiệp và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là một “tấm thảm kịch” với nhiều bài học đắt giá cho nước Mỹ. Đơn giản là vì cuộc chiến đó đã sai lầm và phi nghĩa ngay từ đầu. Việt Nam không có mục đích, ý đồ gây tổn hại cho lợi ích của nước Mỹ, trái lại, chỉ đề cao mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH cho đất nước mình. Nhưng rồi, cuộc chiến đã xảy ra, kéo dài 20 năm với bao nhiêu đau thương, mất mát, hy sinh và hậu quả cho đến ngày nay.
Ngày 30/4/1975, do vậy, không chỉ là kết thúc một cuộc chiến tranh mà còn là chiến thắng của chủ nghĩa hòa bình. Việt Nam đã luôn có thiện chí chấm dứt cuộc chiến tranh bằng biện pháp hòa bình. Năm 1968, cuộc đàm phán đầu tiên đã diễn ra với chủ trương của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị lúc đó là cần mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Cuộc kháng chiến kể từ đó không chỉ diễn ra trên mặt trận chính trị, quân sự mà còn có sự tham gia của ngoại giao.
Sau 5 năm đàm phán, ngày 27/1/1973, các bên đã đồng ý ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử, tạo bước tiến đặc biệt quan trọng để đi tới kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Vậy ngoại giao đã đóng vai trò cụ thể như thế nào để góp phần đạt mục tiêu chiến lược vô cùng quan trọng đó?
Những cuộc đàm phán nảy lửa
Ngoại giao đề cao các biện pháp hòa bình nhưng điều đó không có nghĩa là các hoạt động hoạt giao như đàm phán luôn diễn ra “nhẹ nhàng”, “êm ả”. Trên thực tế, đó là cuộc đấu trí trường kỳ, lúc căng lúc dịu, lúc tỏ thiện chí hợp tác, lúc quyết liệt đấu tranh. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Chính phủ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là hiện thân cho các cung bậc đó. Đằng sau vẻ dịu dàng, mềm mại, nền nã tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam là một con người mạnh mẽ với quyết tâm sắt đá. Bà từng có câu nói nổi tiếng: “Người Mỹ có thể đi lên mặt trăng và trở về an toàn, còn sang Việt Nam thì chúng tôi không chắc”.

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN).
Các nhà ngoại giao Việt Nam đã tạo được thiện cảm lớn tại Paris. Chính Henry Kissinger thừa nhận là ông ta muốn nói chuyện với các nhà ngoại giao của “Bắc Việt” hơn là đồng minh Nam Việt Nam của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các nhà đàm phán Việt Nam chỉ có thái độ nhã nhặn. Chúng ta đều nhớ cú đập bàn nổi tiếng của Trưởng đoàn Lê Đức Thọ, thể hiện thái độ kiên cường, không nao núng trước kẻ thù. Nhưng cũng có những lúc, ông Lê Đức Thọ lại rất uyển chuyển, linh hoạt theo lời của Kissinger.
Mặt trận đàm phán đã hỗ trợ cho những thắng lợi trên chiến trường và ngược lại, các bước tiến về quân sự đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đàm phán. Sự kết hợp đánh - đàm đã được nâng lên thành nghệ thuật. Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: Trong đàm phán nếu ta yêu cầu có mức độ, làm cho địch thấy rằng, tuy phải thua nhưng thua ở một mức có thể chịu được, một mức thua chưa đẩy địch vào tình thế nguy khốn, thì chúng phải chịu thua.
Những bài học còn nguyên giá trị
50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đóng góp của ngoại giao vẫn còn để lại nhiều bài học quý, từ quá trình vận động đấu tranh trước khi đi vào đàm phán, trong giai đoạn đàm phán cũng như giai đoạn giám sát thực thi hiệp định. Có thể kể đến một số bài học tiêu biểu như sau:
Một là, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho đất nước vượt qua các khó khăn, thử thách dù lớn đến mấy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta đã vận dụng thành công 3 dòng thác cách mạng của hệ thống các nước XHCN, phong trào giải phóng dân tộc và các nước độc lập dân tộc và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, tháng 4/1975). Ảnh: TTXVN
Sau này, chúng ta còn tranh thủ được cả phong trào phản chiến, ủng hộ hòa bình ngay trong lòng nước Mỹ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, ta xác định nội lực là cơ bản, quyết định, còn ngoại lực là quan trọng, đột phá, tranh thủ quốc tế nhưng dựa vào sức mình là chính. Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế do Bộ Chính trị vừa ban hành đã xác định quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế sâu rộng. Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại, là vì lẽ đó.
Hai là, bài học về kết hợp cương - nhu tùy lúc trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó cũng là bài học về giữ vững nguyên tắc linh hoạt về sách lược. Trong chiến tranh cũng như trong đàm phán, ta đã thể hiện cách tiếp cận này vô cùng hiệu quả, sẵn sàng nhân nhượng có nguyên tắc để đạt các mục tiêu chiến lược lâu dài. Đơn cử, ngày 4/10/1972, trước tình hình đàm phán không có tiến triển, Bộ Chính trị đã chỉ đạo: “Ta cần gác lại một số yếu tố khác về nội bộ miền Nam. Những vấn đề chưa đạt được là do tình hình chưa cho phép đạt được… Nhưng nếu chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam thì trong đấu tranh với ngụy sau này, ta có điều kiện để đạt các vấn đề đó và còn giành thắng lợi lớn hơn…”. Ngoại giao là “điệu nhảy tango” cần có 2 người và từ hai chiều, vấn đề là ta dẫn dắt điệu nhảy đó như thế nào một cách chủ động.
Ngày nay, ngoại giao Việt Nam tham gia vào hàng trăm cuộc đàm phán lớn nhỏ mỗi năm và việc kết hợp nhuần nhuyễn nguyên tắc - sách lược đó tiếp tục được vận dụng bởi các nhà đàm phán Việt Nam.
Ba là, bài học về giành thắng lợi từng bước, trước khi đi đến giành thắng lợi hoàn toàn. Bức điện ngày 4/10/1972 của Bộ Chính trị đã nói lên một phần cách tiếp cận từng bước đó. Đồng thời, điều này cũng được thể hiện trong suốt các hoạt động ngoại giao giai đoạn kháng chiến. Quá trình vận động dư luận quốc tế từng bước mở rộng, không chỉ giới hạn trong các nước XHCN, các nước châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh mà còn mở rộng sang nhân dân của các nước tư bản. Viện trợ của các nước dành cho Việt Nam cũng dần tăng theo thời gian.

Xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Khi đàm phán gặp khó khăn, các chiến thắng trên chiến trường và trên mặt trận chính trị sẽ hỗ trợ. Sau này, khi bắt đầu hội nhập, Đảng xác định hội nhập kinh tế quốc tế là chủ đạo, rồi đến hội nhập quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và QP-AN. Từ vị thế của nước chấp nhận luật chơi, ta từng bước tham gia vào quá trình xây dựng luật chơi và trong một số lĩnh vực sẵn sàng đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt. Từng bước cũng là quá trình phát triển của quan hệ Việt - Mỹ, từ cựu thù đến đối tác, từ đối tác đến đối tác toàn diện và từ đối tác toàn diện trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên nền tảng của “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, không quên quá khứ nhưng cũng không vì quá khứ mà không thúc đẩy quan hệ hợp tác của hiện tại và tương lai.
Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều bài học có thể đúc rút từ quá trình ngoại giao đóng góp vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Điểm xuyên suốt ở đây là Đảng luôn coi trọng vai trò, vị trí của ngoại giao. Chính vì vậy, Nghị quyết 59 vừa qua đã khẳng định “cùng với bảo đảm QP-AN, đẩy mạnh đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Một quốc gia luôn có 2 công việc chính yếu: đối nội và đối ngoại. Trong thời đại ngày nay, giữa 2 lĩnh vực có mối quan hệ ngày càng mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Với một quốc gia có độ mở kinh tế cao và mạng lưới quan hệ rộng mở như Việt Nam, điều đó càng thể hiện rõ nét. Cha ông ta cũng từng tổng kết “quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh”. Ngày nay, ngoại giao là hợp phần quan trọng trong chiến lược tổng thể của đất nước, đóng góp đắc lực cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc.