'Ngoại giao kem' ở Bờ Tây

Sau khi hãng kem Ben & Jerry's quyết định ngừng bán ở Bờ Tây để thể hiện thiện chí với Palestine, nhiều cửa hàng thực phẩm cho người Do Thái trên thế giới đã tuyên bố tẩy chay kem của hãng này.

Tuyên bố ngừng bán kem tại Bờ Tây, theo hãng kem Ben & Jerry's là “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” trên twitter. (Nguồn: Twitter)

Tuyên bố ngừng bán kem tại Bờ Tây, theo hãng kem Ben & Jerry's là “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” trên twitter. (Nguồn: Twitter)

Ngày 19/7, hãng kem nổi tiếng Ben & Jerry’s do hai người Mỹ gốc Do Thái Ben Cohen và Jerry Greenfield thành lập thông báo sẽ ngừng bán sản phẩm ở Bờ Tây, nơi họ coi là “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”.

Trong thông báo, hãng này cho hay việc bán kem Ben & Jerry’s ở đây “không phù hợp với giá trị của chúng tôi". Công ty sẽ không tiếp tục cấp phép cho chi nhánh ở Bờ Tây khi hợp đồng hết hạn vào cuối năm sau.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel Yair Lapid cho rằng đây là “sự đầu hàng đáng xấu hổ của chủ nghĩa bài Do Thái và phong trào tẩy chay, thoái vốn, trừng phạt (BDS)”.

Phong trào BDS là nhằm chống lại Israel. Phong trào này thường được cho là “đạo đức giả" vì nền kinh tế Israel sẽ không chịu bất kỳ tác động nào từ việc này, tuy nhiên người Palestine lại phải chịu tác động kinh tế đáng kể, điển hình là vấn đề mất việc làm.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết thương hiệu kem thuộc hãng Unilever này đã thực hiện một “bước đi chống lại Israel một cách trắng trợn” và chính phủ sẽ hành động mạnh mẽ chống lại bất kỳ hoạt động tẩy chay nào nhằm vào công dân của họ.

Đại sứ Israel ở Mỹ và Liên hợp quốc đã gửi thư tới thống đốc của 35 tiểu bang ở Mỹ vốn đã ban hành luật chống lại phong trào BDS, yêu cầu họ trừng phạt Ben & Jerry’s. Tuy nhiên, bang Vermont, nơi có trụ sở chính của Ben & Jerry’s chưa thông qua đạo luật này.

Cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng từng lên tiếng phản đối: “Giờ đây, người Israel đã biết không nên mua loại kem nào".

Một số ý kiến cho rằng phản ứng của chính phủ Israel với thông báo của Ben & Jerry’s là thái quá. Nhưng tuyên bố này không đơn thuần là về kem, mà là một phần của phong trào chống lại Israel.

Lối vào cửa hàng kem Ben & Jerry’s ở Be’er Tuvia, miền Nam Israel, ngày 21/7. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Lối vào cửa hàng kem Ben & Jerry’s ở Be’er Tuvia, miền Nam Israel, ngày 21/7. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Sau thông báo của Ben & Jerry’s, một làn sóng chống lại hãng kem nổi tiếng này đã diễn ra tại Mỹ, New Zealand và Australia. Mạng xã hội Mỹ kêu gọi từ bỏ hãng kem Ben & Jerry’s, ngày càng nhiều siêu thị thực phẩm Do Thái thông báo ngừng dự trữ kem của hãng.

Thành phố Teaneck, bang New Jersey (Mỹ) là nơi có đông người Do Thái cho biết sẽ ngừng bán kem Ben & Jerry’s.

Tại Australia và New Zealand, Ben & Jerry’s đã bị loại khỏi danh bạ Quản lý luật ăn uống của người Do Thái. Cửa hàng Kosher Kingdom ở Elsternwick, Australia tuyên bố quyết định ngừng bán kem của hãng để “sát cánh với Israel".

Chủ tịch Liên đoàn Chủ nghĩa phục quốc Do Thái của Australia, Jeremy Leibler cho rằng “Quy mô và sự nổi tiếng của hãng Ben & Jerry’s có thể tạo cơ hội cho người Israel và Palestine xích lại gần nhau. Thế nhưng, tuyên bố vừa qua của hãng sẽ khiến khiến họ xa nhau hơn".

Ben & Jerry’s được thành lập tại bang Vermont (Mỹ) vào năm 1978 và được Unilever mua lại vào năm 2000. Thương hiệu này thường xuyên ủng hộ các phong trào tiến bộ xã hội như Black Lives Matter (quyền sống cho người da màu).

(theo The Times of Israel, Watch Jerusalem)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-kem-o-bo-tay-152606.html