Ngoại giao khoa học - Môn nghệ thuật tinh tế
Thụy Sỹ và Anh đóng vai trò quan trọng trong các dự án khoa học mang tính gắn kết các quốc gia, điển hình là dự án CERN.
Kể từ khi “thai nghén” vào những năm 1950, Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã hướng đến củng cố nền khoa học của khu vực sau Thế chiến II, cũng như khôi phục quan hệ giữa các quốc gia có xung đột vũ trang.
Anh và Thụy Sỹ chính là hai trong số 12 quốc gia sáng lập tổ chức. Ngoài ra, thành phố Geneva của Thụy Sỹ cũng được chọn làm trụ sở cho tổ chức.
Tuy ngoại giao khoa học không nằm trong mục tiêu chính thức của CERN, song tổ chức đã thành công trong việc gắn kết các quốc gia với nhau.
Nhờ có CERN, các nhà khoa học Đức và Israel lần đầu tiên bắt tay làm việc cùng nhau. Nơi đây cũng trở thành một trong số ít “cầu nối” giữa phương Đông và phương Tây thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
"Mini CERN” của Trung Đông
CERN hiện được cho là tấm gương sáng cho các dự án song hành giữa khoa học và ngoại giao. Ví dụ điển hình là hai dự án của Tổng giám đốc CERN Herwig Schopper.
Sinh ra và lớn lên tại Đức, Schopper theo học tại Stockholm và Cambridge với tư cách là một nghiên cứu sinh. Ông dành hai năm tại Cornell trước khi trở thành giáo sư tại Đại học Hamburg, sau đó đảm nhiệm chức Tổng giám đốc CERN từ năm 1981 đến 1988.
Dự án đầu tiên do ông khởi xướng mang tên SESAME, là cơ sở nghiên cứu bức xạ synchrotron ở Jordan, đồng thời là trung tâm khoa học quốc tế lớn đầu tiên tại Trung Đông.
Ban đầu, dự án là cầu nối giữa Palestine và Israel, sau đó mới mở rộng ra các nước Cyprus, Ai Cập, Iran, Jordan, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi nghĩ SESAME là tổ chức duy nhất mà đại diện chính phủ từ Israel, Iran, Palestine và Pakistan có thể cùng ngồi lại với nhau”. (Giáo sư Schopper)
SESAME được thành lập dưới sự chứng kiến và ủng hộ hết mình từ Anh, Thụy Sỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác.
Giáo sư Schooper cho biết: “Thụy Sỹ, đặc biệt là Viện Paul Scherrer (PSI), đóng vai trò thiết yếu trong việc trợ giúp về mặt kỹ thuật và nhân lực. Một trong những giám đốc đầu tiên chịu trách nhiệm thiết kế máy móc tại SESAME cũng đến từ Thụy Sỹ”.
Do Liên minh châu Âu (EU) không thể tài trợ trực tiếp cho SESAME, CERN đã tham gia dự án với tư cách đại diện cổ đông và lực lượng xây dựng nam châm chính cho bức xạ synchrotron.
Xích các nước Balkan gần nhau
Thành công của SESAME đã truyền cảm hứng cho dự án tại Đông Nam Âu của ông Schopper, được chính thức triển khai thông qua cuộc họp giữa bộ trưởng các nước tại CERN năm 2017.
Tổng giám đốc CERN cho biết: “Cuộc họp có sự tham gia của các bộ trưởng nghiên cứu hoặc đại diện từ 10 quốc gia. Đây cũng là dịp gặp gỡ đầu tiên giữa ngoại trưởng Serbia và Kosovo”.
Cuộc họp đã đi đến tuyên bố về ý định thành lập Viện Công nghệ bền vững Đông Nam Âu (SEEIIST), với 8 quốc gia thành viên bao gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Kosovo, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia.
Các đề xuất y tế thống nhất tại cuộc họp về nguồn bức xạ synchrotron, hay máy gia tốc phục vụ cho nghiên cứu y sinh và điều trị ung thư, đã nhận được vô vàn sự ủng hộ và đặc biệt là tài trợ hạt giống từ EU, tổ chức quan tâm sâu sắc đến việc thúc đẩy sự ổn định và phát triển ở khu vực Balkan.
"Cú hích" từ Thụy Sỹ
Khi dự án bắt đầu có dấu hiệu mất đà, ông Schopper đã kêu gọi trợ giúp từ người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ là Ignazio Cassis. Theo đó, Ngoại trưởng Cassis đã sử dụng mạng lưới nước nhà để mời những người đồng cấp ở Đông Nam châu Âu tới tham dự một cuộc họp ở Bern.
Tại đây, Schopper đã trình bày dự án SEEIIST và nhận được sự ủng hộ từ phía EU với đề xuất tài trợ thông qua Sáng kiến Tây Balkan.
So với các dự án cơ sở hạ tầng khác được triển khai tại châu Âu, SEEIIST sở hữu lợi thế mang tầm quốc tế và tiềm năng lớn để trở thành dự án hàng đầu khu vực, với sự tham gia của toàn bộ các nước Tây Balkan và các nước thành viên EU.
Theo Chủ tịch Ủy ban điều hành SEEIIST Leandar Litov, tham vọng của họ cũng rất cao.
“Chúng tôi đang tiến hành thiết kế máy gia tốc với sự hợp tác của CERN, công ty đi đầu trong lĩnh vực này, với mong muốn chế tạo một chiếc máy độc nhất vô nhị trên thế giới”.
Được biết, máy gia tốc sẽ được đặt tại một quốc gia chính, với sự trợ giúp từ một số trung tâm nghiên cứu tại các quốc gia khác trong việc thu thập dữ liệu, vật tư và hình ảnh y tế. Trong đó, một trung tâm sẽ đóng vai trò như trạm năng lượng mặt trời, tạo ra đủ năng lượng xanh để cân bằng mức tiêu thụ của máy gia tốc.
Cuộc họp tại Bern đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo tương lai của SEEIIST, với sự đồng thuận tiến hành của cả 10 nước thành viên.
Tổng giám đốc Schopper bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng dự án đã chết nếu không có cuộc họp này ở Bern và sự tham gia của ông Cassis”.
Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ đã thành lập các nhóm pháp lý nhằm giúp thiết lập nền tảng cho SEEIIST. Các nhóm này hiện đang hợp tác chặt chẽ với EU, tổ chức có vai trò quan trọng đối với dự án, đồng thời có khả năng cải thiện quan hệ giữa EU và Thụy Sỹ.
(theo Science Business)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-khoa-hoc-mon-nghe-thuat-tinh-te-179816.html