Ngoại giao kinh tế cần có đóng góp nhiều hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số
Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trong năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn phát triển sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, ngoại giao kinh tế cần có đóng góp nhiều hơn để thực hiện mục tiêu này.
Chiều tối 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Ngoại giao kinh tế thực sự trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những kết quả tích cực trong công tác ngoại giao kinh tế, là điểm sáng trong công tác đối ngoại, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2024 với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt. Trong đó, tăng trưởng khoảng trên 7%, thu hút FDI 11 tháng tăng 12,4% đạt 31,4 tỷ USD, với số giải ngân đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua; và kim ngạch xuất nhập khẩu trên dưới 800 tỷ USD…
Ngoại giao kinh tế thực sự trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao; có sự chuyển biến về tư duy, cách làm theo hướng tích cực, thực chất, hiệu quả hơn; đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các đột phá chiến lược; ngoại giao kinh tế được thể chế hóa, hệ thống hóa một cách bài bản và có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.
Điểm lại 700 hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được triển khai tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương ở trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn, với "3 rõ" là kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Một số kết quả cụ thể "cân, đong, đo, đếm" được, lượng hóa được gồm: Thu hút các tập đoàn, công ty sản xuất chip vào Việt Nam, đặc biệt là NVIDIA; mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt cao kỷ lục; phát triển mạnh du lịch, kéo theo đó là ngành hàng không phát triển; xuất siêu lớn… Lòng tin của các đối tác được tăng lên; xung lực hợp tác từ các chuyến thăm cấp cao được các bộ, ngành, doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn. Nhiều thị trường mới được khai thác như Trung Đông, thị trường Halal, thị trường sang Nam Mỹ.
Công tác ngoại giao kinh tế phải tập trung thúc đẩy ký kết các khuôn khổ pháp lý
Thời gian tới, để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trong năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn phát triển sắp tới, Thủ tướng yêu cầu, ngoại giao kinh tế cần có đóng góp nhiều hơn để thực hiện mục tiêu này; các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đều phải nỗ lực, đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực rồi phải cố gắng hơn, quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế phải tập trung thúc đẩy ký kết các khuôn khổ pháp lý như các FTA, IPA, CEPA…; đánh giá tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ta và các đối tác để xác định những vấn đề có thể hợp tác, bổ trợ và cạnh tranh nhau; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước.
Chỉ rõ ngoại giao kinh tế là động lực mới, quan trọng, Thủ tướng yêu cầu phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Theo đó, đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực, tiếp tục thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao trà, ngoại giao tôm…; đặc biệt là mở rộng hợp tác về công nghệ, nhất là chuyển giao công nghệ như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; hợp tác khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm… Đồng thời, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đổi mới chính sách visa để tạo thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư và du lịch.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài các nhiệm vụ cụ thể như: Vận động Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong phát triển kinh tế cửa khẩu, kết nối giao thông, nhất là kết nối đường sắt; hợp tác với các nước Trung Đông xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM, gỡ thẻ vàng IUU của EC…