Ngoại giao kinh tế - hiện thực hóa các đột phá chiến lược
Những năm qua, ngoại giao kinh tế trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao. Ngoại giao kinh tế của nước ta có sự chuyển biến về tư duy, cách làm theo hướng tích cực, thực chất, đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các đột phá chiến lược.
Ngày càng mở rộng, nâng tầm
Những năm qua, ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngoại giao kinh tế tiếp tục phát huy vai trò, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, tiếp tục đưa quan hệ kinh tế nói riêng và quan hệ song phương nói chung đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
Theo Bộ Ngoại giao, ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Năm 2024, trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar…; thăm làm việc tại Trung Quốc, Nga... Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Việt Nam đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á; Châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, nhất là với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
An Giang hội nhập, thúc đẩy phát triển
“Năm 2024, hoạt động đối ngoại đã góp phần duy trì và củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với các tỉnh bạn Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới và vùng có đông đồng bào dân tộc, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đã huy động nguồn nội lực và ngoại lực cho sự phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của tỉnh” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng thông tin.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh có nhiều kết quả thực chất và hiệu quả hơn. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế, như: Tăng cường tham dự các hội gặp gỡ đối tác nước ngoài; tổ chức gặp gỡ giao lưu giữa DN tỉnh và DN nước ngoài, tổ chức sự kiện quảng bá hình ảnh của địa phương và kêu gọi đầu tư từ đối tác nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 của tỉnh ước đạt 1.400 triệu USD, tăng 1,4% so cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 178 triệu USD (chiếm 68,19% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Năm 2025 vừa là năm bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021 - 2025; vừa phải tích cực sắp xếp tổ chức, bộ máy và tổ chức các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước; vừa chuẩn bị tốt tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế phải tập trung thúc đẩy ký kết các khuôn khổ pháp lý, như: FTA, IPA, CEPA…; đánh giá tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ta và các đối tác để xác định những vấn đề có thể hợp tác, bổ trợ và cạnh tranh nhau; thúc đẩy kết nối DN Việt Nam với DN các nước. Đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực, tiếp tục thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao trà, ngoại giao tôm… Đặc biệt, mở rộng hợp tác về công nghệ, nhất là chuyển giao công nghệ, như: Chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; hợp tác khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Tiếp tục đổi mới chính sách visa để tạo thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư và du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết, năm 2025, An Giang tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng và các đối tác đã có mối quan hệ hợp tác với tỉnh nước, như: Campuchia, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Indonesia, Thụy Điển, Pháp… đi vào chiều sâu, thực chất, ổn định, bền vững lâu dài. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; chú trọng hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, tiếp cận, đăng ký và triển khai dự án. Tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, mở rộng khi cần thiết (Khu công nghiệp Xuân Tô, Hội An, Khu công nghiệp Bình Hòa mở rộng); hình thành các khu chức năng, khu vực sản xuất công nghiệp và phục vụ cho sản xuất công nghiệp có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại...
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tận dụng tối đa các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức. Với những thành tựu đạt được và tiềm năng to lớn, Việt Nam tự tin sẽ ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Ngoại giao kinh tế không chỉ là một hoạt động mang tính kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Thành công của ngoại giao kinh tế sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia và tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển