Ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
Chiều tối 20/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; một số tập đoàn, hiệp hội chủ chốt.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn lại năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế thu được nhiều thành quả trong tổng thể hoạt động đối ngoại. Theo Thủ tướng, trong hoạt động đối ngoại có trụ cột là ngoại giao kinh tế và công tác này được làm ngày càng tốt hơn.
Hội nghị này nhằm đánh giá công tác ngoại giao kinh tế để đánh giá những gì đã làm được để từ đó phải làm tốt hơn? Những gì chưa làm được cần khắc phục, rút kinh nghiệm? Những gì rút ra bài học hay, kinh nghiệm tốt trong quá trình thực hiện?
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024 chuẩn bị qua đi, chúng ta dự kiến hoàn thành 15/15 chỉ tiêu đặt ra cho cả năm nay, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng (dự kiến trên 7%), từ đó kéo theo một loạt các chỉ tiêu khác như thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động… tăng lên, uy tín đất nước tăng lên. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với những gì đạt được vì dư địa phát triển vẫn còn và có thể còn làm tốt hơn nữa. Các bộ, ngành trong nước đã rất cố gắng, nỗ lực, nhưng đồng thời Thủ tướng cũng mong các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ, cung cấp thông tin, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế trong nước.
Thủ tướng nêu rõ, một trong những thành tựu chung của Việt Nam năm nay có hai điểm liên quan đối ngoại là thu hút FDI và xuất nhập khẩu, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt khoảng trên dưới 800 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư FDI 11 tháng qua đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, nhất là giải ngân vốn FDI đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua...
Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra để làm tốt hơn thời gian tới. Thủ tướng đề nghị, cần nhận định tình hình năm 2025 như thế nào? Chúng ta cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp, kịp thời, trên cơ sở đó có hiệu quả tốt hơn, linh hoạt hơn. Kinh nghiệm cho thấy nếu đánh giá đúng tình hình, phản ứng chính sách kịp thời thì sẽ đem lại hiệu quả cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, những năm gần đây, qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Chính phủ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, ví dụ như điều hành về cung ứng điện, cũng vẫn tổng nguồn không tăng, nhưng nhờ cách điều hành nên vẫn bảo đảm cung ứng đủ điện cho năm 2024 dù nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên so năm trước.
Năm 2025, Thủ tướng yêu cầu phải đạt mức tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tăng tốc, bứt phá hơn nữa, một số nơi thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xác định tăng trưởng lên tới 10%. Do đó nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng theo. Nói như vậy để thấy được quyết tâm của cả nước để tạo đà, tạo lực và khí thế để tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng với quyết tâm đạt tăng trưởng hai con số.
Do đó đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các nhà quản lý phải tìm mọi giải pháp để thực hiện. Nếu chỉ tăng trưởng ở mức bình bình 6-7%/năm thì không đạt mục tiêu đề ra, dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, nghiên cứu các giải pháp, mạnh dạn đề xuất tăng tốc, cũng như kêu gọi bạn bè quốc tế tăng cường đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam nhiều hơn. Chúng ta vẫn coi trọng nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, đồng thời nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá gồm các loại vốn đầu tư, công nghệ. Về điểm này, chúng ta không thể đi làm thuê, trông chờ vào chuyển giao công nghệ mãi được. Chúng ta phải đột phá về thể chế, phải tiếp thu kinh nghiệm hay của nước ngoài; rồi thu hút nguồn lực con người; thực hiện quản trị thông minh.
Ở trong nước đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng về thể chế chính sách, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển; đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, hạ tầng số, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, đặc biệt là giao thông để giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; đột phá về nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động. Tóm lại, Thủ tướng yêu cầu phải đang nỗ lực thực hiện “3 thông”: “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh”.
* Hợp tác kinh tế trở thành nội dung thiết yếu trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt năm 2024, mang lại các kết quả cụ thể với hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết; góp phần làm mới các động lực truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, nhất là khu vực Đông Bắc Á, Mỹ, Ấn Độ (Các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục duy trì tỷ trọng cao trong tổng thể hợp tác kinh tế đối ngoại của ta; lượng khách du lịch Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ, 9 tháng đầu năm tăng 300% so với trước dịch).
Các động lực tăng trưởng mới cũng được thúc đẩy mạnh mẽ; hợp tác về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh trở thành nội dung then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại Cấp cao và các cấp (với Hàn Quốc, ta ký kết 9 văn kiện cấp Chính phủ về hợp tác năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, điện tử công nghệ cao; với Ấn Độ, hai bên thống nhất hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; với UAE, Qatar, nhất trí đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là trọng tâm hợp tác song phương thời gian tới...). Xung lực hợp tác từ các chuyến thăm cấp cao được các Bộ, ngành tận dụng hiệu quả để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam (năm vừa qua các hoạt động hợp tác khoa học - công nghệ diễn ra rất sôi nổi, sự quan tâm của các tập đoàn công nghệ lớn với Việt Nam cũng gia tăng rõ rệt như NVIDIA, Amkor, LG, Hyosung, Foxcom...)
Nhiều thị trường mới, còn nhiều dư địa, giàu tiềm năng được khai phá: với khu vực Mỹ Latin là Chile, Argentina, Peru; với khu vực Trung Đông là Saudi Arabia, UAE, Qatar; thị trường Halal.
Các kết quả cụ thể chính là góp phần đưa quan hệ giữa ta và các đối tác ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu; tạo sự chuyển biến về tư duy, cách làm; đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các đột phá chiến lược. Hợp tác quốc tế trong xây dựng hạ tầng chất lượng cao, kết nối hạ tầng chiến lược “cứng” và “mềm” giữa ta với các nước láng giềng được đẩy mạnh.
Ngoại giao kinh tế được thể chế hóa, hệ thống hóa một cách bài bản; và có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã triển khai hiệu quả cơ chế giao ban định kỳ về ngoại giao kinh tế, cơ chế rà soát, đôn đốc triển khai các thỏa thuận quốc tế đạt được trong các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương triển khai các cơ chế trao đổi với các cơ quan đại diện, các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước. 700 hoạt động ngoại giao kinh tế xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương ở trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng, đổi mới.
Tựu chung lại, công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn theo tinh thần “3 rõ” kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.