Ngoại giao và công tác đối ngoại - điểm sáng năm 2023
Từ Đại hội Đảng XIII lấy bản sắc ngoại giao 'Cây tre Việt Nam': Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam làm phương châm hoạt động, công tác ngoại giao của tỉnh Thanh Hóa đã phát huy thế và lực, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, tạo thuận lợi cho phát triển và bảo vệ Tổ quốc; mở ra những cơ hội mới trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, công tác đối ngoại tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ chế, chính sách để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu
Dấu ấn quan trọng
Các hoạt động đối ngoại quan trọng của tỉnh Thanh Hóa được tổ chức đúng thời điểm cùng với chủ trương đúng đắn đã giúp tăng cường tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, tạo xung lực mới đưa quan hệ với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng. Trong bối cảnh đó, Sở Ngoại vụ đã chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai các hoạt động đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, sở đã chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán với các đối tác mới để xúc tiến việc ký kết các thỏa thuận quốc tế, góp phần quan trọng trong việc triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương trên thế giới, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác để phục vụ sự phát triển chung của tỉnh. Năm 2023, sở đã chủ trì thẩm định 11 thỏa thuận quốc tế, trong đó có 4 thỏa thuận cấp tỉnh, 3 thỏa thuận của các tổ chức cấp tỉnh, 4 thỏa thuận cấp sở, ngành, địa phương trên các lĩnh vực: hợp tác chính quyền, kết nối đầu tư, quốc phòng - an ninh, giao lưu thanh, thiếu niên... Việc ký kết các thỏa thuận quốc tế trên đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ký kết, góp phần quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương trên thế giới, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác để phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.
Cũng trong năm 2023, Sở Ngoại vụ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác hợp tác với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), góp phần làm sâu sắc và vun đắp tình đoàn kết, keo sơn, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn trên tất cả các mặt như ngoại giao, giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng - an ninh...
Đặc biệt, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tích cực chủ động đấu mối, đề xuất, triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác với các địa phương đã ký kết, đó là: đón tiếp đoàn công tác của Hội đồng thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc); đoàn công tác tỉnh Niigata (Nhật Bản) sang tham dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và trao đổi các nội dung tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Niigata. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế với Liên bang Nga cũng được quan tâm triển khai.
Sở đã tham mưu và tổ chức thành công đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa sang thăm, làm việc và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đài Loan và châu Âu (Italia, Séc, Đức) và Nhật Bản, trong đó tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, các chương trình tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức tại các nước; đồng thời, ký kết bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Niigata (Nhật Bản) và các biên bản làm việc với Chính quyền vùng Campania (Cộng hòa Italia); Chính quyền vùng Ustecky (Cộng hòa Séc); Chính quyền Tiểu bang Thiiringen, thành phố Triptis (Cộng hòa Liên bang Đức)...
Trong công tác ngoại giao văn hóa, đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc tăng cường bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa với các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, Sở đã chủ động đề xuất Bộ Ngoại giao mời các chuyên gia quốc tế đến khảo sát, đánh giá khả năng và hỗ trợ thực hiện hồ sơ, thủ tục có liên quan đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ hang Con Moong là Di sản Văn hóa thế giới; tích cực tham gia các hội nghị quốc tế... Hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, tạo lập môi trường thân thiện, bảo đảm cho mối quan hệ tốt đẹp, qua đó quảng bá hình ảnh, tiếp thị các sản phẩm kinh tế, dịch vụ kinh tế, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa đến với bạn bè quốc tế.
Thành tựu đạt được
Nhờ các hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc thắt chặt và thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, mở rộng hợp tác với các đối tác mới, đẩy mạnh quảng bá về lợi thế thu hút đầu tư, thương mại, du lịch đến các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Đặc biệt, ngay sau các chuyến công tác của đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa sang thăm, làm việc và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đài Loan và châu Âu (Italia, Séc, Đức) và Nhật Bản, Tập đoàn GEO của Cộng hòa liên bang Đức đã đến tỉnh Thanh Hóa ký kết Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát nhà máy điện gió; Công ty Phân bón Đài Loan đã sang triển khai hoạt động khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa; Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã đề xuất ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp...
Cũng trong năm, các cơ quan Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt tiếp nhận 18 chương trình, dự án, phi dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị cam kết năm 2023 đạt 2,86 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 48 chương trình, dự án đang triển khai, giá trị giải ngân ước đạt 7,2 triệu USD.
Thanh Hóa hiện nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về số lao động, chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài. Từ đầu năm tới nay, có 7.943 người lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Tổng số lao động Thanh Hóa làm việc ở nước ngoài đến thời điểm hiện tại là trên 30.000 người, tập trung chủ yếu ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường Trung Đông... Mức thu nhập và đời sống của người lao động Thanh Hóa đang làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định; hàng năm, số tiền gửi về nước từ 120 đến 150 triệu USD.
Toàn tỉnh có khoảng 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường và vùng lãnh thổ, với 55 chủng loại hàng hóa; thu hút được 70 dự án, trong đó các dự án đầu tư nước ngoài có tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 209,87 triệu USD, tăng 294,76% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 19 trong số các tỉnh, thành phố có vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Lũy kế đến ngày 15/11/2023, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 14,625 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 chương trình, dự án ODA do tỉnh quản lý được giao kế hoạch vốn năm 2023, với tổng số vốn được giao là 628.551 triệu đồng (trong đó kế hoạch vốn năm 2023 là 431.066 triệu đồng, vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 là 29.608 triệu đồng, vốn vay lại 167.877 triệu đồng).
Cùng với đất nước, ngành ngoại giao tỉnh Thanh Hóa đang bước sang giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi quyết tâm đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và hành động để tạo nên bước chuyển biến mới với hiệu quả cao hơn cho công tác đối ngoại. Thấm nhuần bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam” và truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng, phát huy cao nhất tinh thần phụng sự Đảng và Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, với niềm tin, khí thế mới và bản lĩnh được tôi luyện qua nhiều thử thách, khó khăn, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm, nỗ lực xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.