Ngoại giao vaccine Covid-19 của Indonesia: Cho đi sẽ được nhận lại!

Trọng tâm chính sách đối ngoại năm 2021 của Indonesia là 'ngoại giao an ninh y tế' mà cụ thể là ngoại giao vaccine Covid-19.

Trọng tâm chính sách đối ngoại năm 2021 của Indonesia là ngoại giao vaccine Covid-19. (Nguồn: Jakarta Post)

Trọng tâm chính sách đối ngoại năm 2021 của Indonesia là ngoại giao vaccine Covid-19. (Nguồn: Jakarta Post)

Từ cho đi…

Trong tuyên bố hồi tháng 1, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi khẳng định Indonesia ưu tiên hiện thực hóa các cam kết về vaccine Covid-19 thông qua hợp tác song phương và đa phương. Đây là bước kế thừa và phát triển chính sách ngoại giao năm 2020.

Trên cương vị là người đứng đầu ngành ngoại giao của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo, Ngoại trưởng Retno có nhiệm vụ đảm bảo số lượng vaccine cần thiết để quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đủ khả năng phòng chống đại dịch Covid-19.

Đến nay, chính sách ngoại giao y tế được đề ra từ đầu năm đã trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh Indonesia vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai, các thiết bị y tế như bình oxy hay máy thở đã được thêm vào danh mục ngoại giao y tế của nước này.

Khi đợt dịch Covid-19 thứ hai tàn phá Ấn Độ từ giữa tháng 2/2021, Indonesia đã hỗ trợ Ấn Độ 2.000 bình oxy và 200 máy tạo oxy để thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước. Sự hỗ trợ này có thể không giúp được nhiều trong bối cảnh Ấn Độ có hàng triệu bệnh nhân cần được điều trị, nhưng đã thể hiện sự quan tâm của Indonesia với các quốc gia khác, có giá trị và ý nghĩa chính trị quan trọng hơn trong những thời điểm khó khăn.

Ngay từ khi cơ chế COVAX được hình thành, Ngoại trưởng Indonesia cùng những người đồng cấp Canada, Ethiopia đã lên tiếng ủng hộ và tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm cam kết về chia sẻ và phân phối vaccine cho tất cả các quốc gia dưới sự điều phối của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhà lãnh đạo ngành ngoại giao Indonesia đã nỗ lực bảo vệ các nước nghèo và thu nhập trung bình để có được vaccine cần thiết.

…đến nhận lại

Làn sóng lây nhiễm thứ hai do biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 lan nhanh với tốc độ siêu lây nhiễm đã đẩy Indonesia vào tình trạng báo động. Nước này đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi một thông điệp khẩn cấp ra thế giới.

Bà Retno nhấn mạnh “không cần phải xấu hổ khi kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, vì các quốc gia phải hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau đối phó với đại dịch toàn cầu”. Thật vậy, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã từng khuyến cáo "Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn".

Chiến lược ngoại giao của Indonesia đã phát huy tác dụng khi nhiều quốc gia đã hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ của Indonesia. Trong số đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên hỗ trợ Indonesia phòng chống đại dịch khi chuyển giao hàng chục triệu liều vaccine Covid-19. Các loại vaccine của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình tiêm chủng của Indonesia cho 70% người dân trong nỗ lực đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Australia thông báo tài trợ 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca cũng như các thiết bị oxy và các bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên cho Indonesia. Các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Singapore, cũng đã cam kết hỗ trợ Indonesia.

Tính đến ngày 13/7, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 137.611.540 liều vaccine Covid-19, trong đó 8 lô vaccine (14.704.860 liều) do COVAX chuyển giao, hơn 10 triệu liều vaccine Sinovac dưới dạng nguyên liệu và hơn 1,4 triệu liều vaccine Sinopharm, 4 triệu liều vaccine Moderna từ Mỹ. Nhật Bản đã gửi 1 triệu liều AstraZeneca và 1 triệu liều tiếp theo sẽ được gửi trong thời gian sớm nhất.

Thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp nhận thêm một lô vaccine Moderna được Mỹ viện trợ qua chương trình chia sẻ đa phương, cũng như các lô vaccine được Nhật Bản và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) viện trợ song phương.

Singapore cũng đã kịp thời hỗ trợ vật tư và thiết bị y tế gồm bình oxy, máy thở, mặt nạ, găng tay và đồ bảo hộ cho Indonesia khi nước này rơi vào tình trạng thiếu oxy trầm trọng để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện.

Mặc dù “không có gì là miễn phí”, song việc Ngoại trưởng Retno đang cùng với thế giới chung tay đẩy lùi đại dịch là điều cần thiết để bảo vệ toàn bộ quốc gia khỏi khủng hoảng đại dịch lần này.

(theo Jakarta Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-vaccine-covid-19-cua-indonesia-cho-di-se-duoc-nhan-lai-151614.html