Ngoại giao vaccine là trọng tâm trong công tác đối ngoại phục vụ phát triển
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Bộ Ngoại giao luôn xác định ngoại giao vaccine là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tổng thể triển khai hoạt động đối ngoại của Bộ, cũng như trong tham mưu các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới đang khiến tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới và Việt Nam.
Với mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ chiến lược vaccine, trong đó ngoại giao vaccine là mũi nhọn nhằm tiếp cận đa dạng nguồn cung ứng vaccine trên thế giới.
Có thể nói, ngoại giao vaccine đã trở thành điểm sáng của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, thể hiện quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chia sẻ về tình hình triển khai công tác ngoại giao vaccine của Bộ Ngoại giao trong thời gian qua và những đóng góp tận tụy của các chiến sĩ là cán bộ ngoại giao cho công tác này.
Trong bối cảnh vaccine trở thành quân bài chiến lược trong cuộc chiến chống Covid-19, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đã được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa mũi nhọn ngoại giao vaccine. Việc thành lập Tổ công tác đã tạo được những bước chuyển gì đối với công tác ngoại giao vaccine, thưa Thứ trưởng?
Có thể khẳng định rằng việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine (Tổ công tác) là quyết định kịp thời và có ý nghĩa quan trọng của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh chiến lược vaccine đã hình thành từ trước đó và xuất phát từ chủ trương sớm của Bộ Chính trị, Ban bí thư về việc bảo đảm tiếp cận nhanh nguồn vaccine Covid-19 cho nhân dân.
Ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm Tổ phó Thường trực và Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường làm Tổ phó Tổ công tác.
Kể từ khi được thành lập, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, Tổ công tác đã khẩn trương làm việc không ngừng nghỉ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tất cả các khâu, từ đánh giá, tham mưu, đề xuất các hình thức, biện pháp vận động, trao đổi với các đối tác để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine.
Với sự đóng góp của Tổ công tác, tôi cho rằng có hai chuyển biến quan trọng nhất.
Thứ nhất, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, bài bản trong triển khai công tác ngoại giao vaccine ở các kênh, các cấp, đặc biệt ở cấp cao trong tiếp cận các đối tác song phương và đa phương, với các hình thức tiếp cận khác nhau từ thúc đẩy việc mua thương mại, tiếp cận các cơ chế vaccine đa phương cho đến việc vận động tài trợ vaccine.
Thứ hai, đương nhiên chuyển biến quan trọng nhất là tốc độ và số lượng vaccine “cập bến” Việt Nam ngày càng nhiều.
Nếu trong tháng 8, số lượng vaccine Việt Nam nhận được là hơn 16 triệu liều, thì trong tháng 9, chúng ta đã nhận thêm 40 triệu liều, và hết tháng 10 tới đây, ta đang nhìn thấy triển vọng rõ hơn về khả năng đạt đủ số lượng vaccine Covid-19 để tiêm chủng bao phủ rộng cho đa số người dân, một số thành phố, trung tâm kinh tế lớn với tỷ lệ bao phủ tiêm mũi 1 đã đạt gần 95%.
Trong quá trình triển khai ngoại giao vaccine, Việt Nam có thách thức và thuận lợi gì?
Bảo đảm nguồn vaccine nhanh nhất cho gần 100 triệu dân Việt Nam là bài toán không hề đơn giản.
Khó khăn lớn nhất là cầu nhiều, cung ít. Hầu hết các nước đang phát triển như Việt Nam đều đang trong cơn khát vaccine. Đặc biệt, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã tạo ra áp lực tiếp cận vaccine cấp bách cùng lúc với nhiều nước.
Hệ quả là, cung không đủ đáp ứng cầu, vaccine đã hiếm càng hiếm hơn.
Thêm vào đó, tình trạng các nước phát triển tăng mua và tích trữ vaccine, vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine vẫn chưa được cải thiện..., đã biến cuộc đua tiếp cận vaccine trở nên khốc liệt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có những lợi thế nhất định trong quá trình triển khai công tác ngoai giao vaccine.
Một là, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố trong những năm qua.
Hai là, mạng lưới sâu rộng bạn bè, đối tác mà Việt Nam đã tạo dựng, vun đắp trong nhiều năm qua bao gồm các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống...
Ba là, vị trí quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Nhờ đó, nhiều nước hết sức nỗ lực giúp đỡ, ủng hộ vaccine cho ta để bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bốn là, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với số lượng đông đảo và tinh thần yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc, hỗ trợ quê hương trong việc tiếp cận nguồn vaccine cũng như thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc chúng ta đã phát huy tốt những giá trị cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong giai đoạn đầu đại dịch, sẵn sàng chia sẻ, của ít lòng nhiều giúp đỡ bạn bè khẩu trang, vật tư y tế, trang thiết bị phòng chống dịch trong khả năng và nguồn lực của chúng ta.
Nghĩa cử đó được bạn bè quốc tế đánh giá cao, trân trọng và cảm kích. Việc bạn bè quốc tế sẵn lòng hỗ trợ chúng ta hiện nay một phần cũng là tri ân những nghĩa cử chúng ta đã dành cho các bạn.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 9, Việt Nam đã tiếp nhận 59,7 triệu liều vaccine Covid-19. Trong đó, nguồn viện trợ từ COVAX là 12,6 triệu liều (bao gồm viện trợ của các nước qua COVAX); nguồn viện trợ song phương là 11,1 triệu liều; nguồn mua từ các nước và các hãng sản xuất là 20,9 triệu liều; và nguồn do công ty tư nhân tài trợ là 15 triệu liều.
Với lợi thế có hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan thường trực của Tổ công tác đã triển khai công tác ngoại giao vaccine như thế nào để tận dụng được tối đa lợi thế đó?
Ngay từ đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác đã xác định “ngoại giao vaccine là trọng tâm của trọng tâm” trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển nói riêng và công tác nói chung.
Trên cơ sở đó, đã có sự triển khai quyết liệt của Bộ Ngoại giao trong nước cũng như các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngay từ đầu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với tất cả đồng chí trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai công tác ngoại giao vaccine.
Thời gian qua, 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy vai trò tích cực, hiệu quả, nỗ lực đóng góp vào chiến lược ngoại giao vaccine.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tham mưu, kết nối và thu xếp hàng trăm cuộc điện đàm và các cuộc làm việc giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy, vận động vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể.
Đồng thời, các Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài đã giúp tổ chức nhiều chuyến bay, chuyến hàng mang những liều vaccine Covid-19 quý báu mà chúng ta mua được, cũng như tiếp cận từ các nguồn tài trợ từ nước ngoài về Việt Nam.
Bên cạnh đó, với vai trò như những “cần ăng-ten” và vệ tinh, các trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tìm tòi những kinh nghiệm quốc tế, những bài học hay về phòng chống dịch bệnh cũng như thích ứng an toàn, hiệu quả với tình hình dịch bệnh, phục vụ cho tiến trình phòng chống dịch và phát triển đất nước.
Vậy Bộ Ngoại giao đã có những giải pháp gì để vừa bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ đối ngoại của ngành nhưng cũng đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ thông qua công tác ngoại giao vaccine?
Phải khẳng định rằng, trong nhận thức và trong hành động, Bộ Ngoại giao luôn xác định ngoại giao vaccine là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong tổng thể triển khai hoạt động đối ngoại của Bộ cũng như trong tham mưu các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Bộ Ngoại giao luôn xác định nội lực là quyết định, ngoại lực là bổ sung, đột phá và hoạt động đối ngoại phải phục vụ những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách trong nước. Và nhiệm vụ cấp bách trong nước hiện nay chính là việc tiếp cận vaccine, thuốc điều trị và vật tư y tế nhiều nhất có thể để hỗ trợ các nguồn trong nước.
Trong việc triển khai hoạt động đối ngoại trên thực tiễn, có hai điểm chúng tôi đặc biệt chú trọng.
Thứ nhất là lồng ghép nội dung về ngoại giao vaccine trong các hoạt động đối ngoại trực tuyến và trực tiếp, chẳng hạn như trong các chuyến thăm cấp cao của các lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài.
Thứ hai là sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương trong triển khai ngoại giao vaccine.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba và dự Phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, có 1,95 triệu liều vaccine Abdala của Cuba cùng 1000 máy thở và các trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 8,8 triệu USD mà kiều bào tại Mỹ và các đối tác đã gửi tặng Việt Nam. Trước đó, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huê cũng thu được những kết quả thực chất với 200.000 liều vaccine Astrazeneca do Bỉ và Slovakia trao tặng, hàng trăm trang thiết bị y tế do các tổ chức và cá nhân ủng hộ trị giá hơn 1.028 tỷ đồng.