Ngoại giao vaccine - Sứ mệnh đưa nguồn vaccine quý giá về với nhân dân Việt Nam
Tuần qua, Việt Nam đã nhận được 3 lô vaccine ngừa COVID-19 gồm 2 triệu liều vaccine Moderna của Mỹ trao tặng thông qua cơ chế COVAX, hơn 97 nghìn liều vaccine Pfizer của Mỹ do Bộ Y tế mua và 580 nghìn liều Astra Zeneca (Anh) thông qua Hệ thống tiêm chủng VNVC (Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam).
Dự kiến, hôm nay, 15/7, hơn 900 nghìn liều vaccine Astra Zeneca trong hợp đồng đặt mua của Hệ thống tiêm chủng VNVC (Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam) sẽ về đến Sân bay Tân Sơn Nhất. Với số vaccine này, Việt Nam đã có khoảng 9 triệu liều vaccine trong tổng số 150 triệu liều cần có để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Có được những thành công bước đầu trong chiến lược vaccine COVID-19 là nhờ sự đóng góp không nhỏ của “ngoại giao vaccine” để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine từ bên ngoài. Tranh thủ từng phút giây, tận dụng tất cả mối quan hệ, các hình thức tiếp xúc, trao đổi phù hợp, hiệu quả, “ngoại giao vaccine” đang từng bước thực hiện sứ mệnh đưa nguồn vaccine quý giá về với nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc chiến chống đại dịch.
Tăng cường tiếp cận vaccine cho nhân dân
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, “ngoại giao vaccine” thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho nhân dân, đồng thời đóng góp chung cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu.
Trong chiến lược vaccine, “ngoại giao vaccine” là một mũi nhọn rất quan trọng, là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong tình hình thiếu hụt vaccine và bất bình đẳng về tiếp cận vaccine trên toàn cầu như hiện nay.
Thời gian qua, chiến lược vaccine và “ngoại giao vaccine” được triển khai rất bài bản, quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo, tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sản xuất vaccine để có thể tiếp cận các nguồn vaccine. Đến nay, đã có hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi tranh thủ tiếp cận nguồn vaccine từ các quốc gia từ phía lãnh đạo cấp cao của ta.
Với vai trò người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn trăn trở việc làm thế nào để Việt Nam tiếp cận được càng sớm, càng nhiều vaccine cho Việt Nam thông qua tất cả các hình thức phù hợp, hiệu quả. Thủ tướng liên tục chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.
Tại Lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ngày 10/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Mục tiêu của chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước. Và mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine. Có vaccine rồi, chúng ta phải thực hiện tiêm chủng miễn phí cho nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Trong mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai tiêm chủng trên diện rộng, và hôm nay chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Dự kiến, chúng ta sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022”.
Quyết liệt để thành công
Tận dụng mọi mối quan hệ, không lơ là, chậm trễ, tranh thủ từng phút giây để tiếp cận, trao đổi, tiếp xúc với các đối tác theo từng phương thức phù hợp, hiệu quả, mũi nhọn “ngoại giao vaccine” đã được cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành chức năng, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài vào cuộc để đem về cho nhân dân Việt Nam nguồn vaccine ngừa COVID-19 quý báu-chìa khóa để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh. Nhờ vậy, đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu với 9 triệu liều vaccine có mặt ở Việt Nam, hơn 4 triệu người dân được tiêm vaccine, trong đó 290 nghìn người được tiêm mũi thứ hai.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã cam kết và ký hợp đồng mua khoảng 124 triệu liều vaccine; trong đó có 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều Astra Zeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vaccine Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma Việt Nam. Cùng với đó, Tập đoàn T&T đang đàm phán mua 40 triệu liều Sputnik-V từ Quỹ đầu tư trực tiếp Nga. Bộ Y tế cũng được Liên bang Nga cam kết hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều Sputnik-V; đang đàm phán mua 15 triệu liều Covaxin của Ấn Độ, Trung Quốc hỗ trợ 500 nghìn liều Vero Cell của Sinorpharm…
Mới đây nhất, ngày 14/7, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã quyết định tặng 100 nghìn liều vaccine Astra Zeneca cho Việt Nam. Trước đó, ngày 13/7, tại buổi tiếp Bộ trưởng phụ trách Thương mại, đầu tư và du lịch Australia Dan Tehan đang có chuyến thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 1,5 triệu liều Astra Zeneca cùng khoản viện trợ 40 triệu AUD nước này dành cho Chiến dịch phòng, chống COVID-19 của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo viện trợ thêm cho Việt Nam 1 triệu liều Astra Zeneca trong thời gian tới (dự kiến chuyển vào ngày 16/7); đồng thời sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao và bán công nghệ sản xuất vaccine.
Quan tâm tới từng người dân với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam đã tìm hướng tiếp cận nguồn vaccine dành cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pfizer Việt Nam để thỏa thuận, đàm phán ban đầu về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này.
Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến tháng 9/2021, tình hình khan hiếm vaccine vẫn diễn ra nghiêm trọng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai hiệu quả hơn, quyết liệt hơn “ngoại giao vaccine”. Đồng thời, tiếp tục vận động các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế cung cấp nguồn vaccine cho Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ sản xuất lâu dài.
Những thành công bước đầu trong mũi nhọn “ngoại giao vaccine” là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch; góp thêm niềm tin, sức mạnh cho từng người dân để thêm vững tin, ủng hộ những quyết sách của Đảng, Nhà nước, tiến tới mục tiêu chiến thắng đại dịch, từng bước phục hồi nền kinh tế nước ta.