Ngoại giao vaccine và nỗ lực đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất vaccine

Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine phòng COVID-19, cộng với tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các quốc gia, thì ngoại giao vaccine là một 'mặt trận' rất quan trọng, bởi vận động được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine.

Lễ bàn giao lô vaccine Sputnik V đầu tiên cho Việt Nam Ảnh: VGP/Tuấn Thành

Lễ bàn giao lô vaccine Sputnik V đầu tiên cho Việt Nam Ảnh: VGP/Tuấn Thành

Với sự xuất hiện các biến chủng mới từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Đứng trước tình hình này, cùng với việc bổ sung phương châm phòng chống dịch "5K + vaccine + công nghệ", Việt Nam xác định chiến lược vaccine vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine phòng COVID-19, cộng với tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các quốc gia, thì ngoại giao vaccine là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine.

Thực tế, bằng ngoại giao vaccine, hàng chục triệu liều vaccine từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã về đến Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào công tác phòng chống dịch, tiến tới từng bước mở cửa xã hội.

Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao nhất đến những người tham gia trực tiếp vào công tác ngoại giao vaccine là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Xuất phát từ yêu cầu cấp bách về phòng chống dịch COVID-19, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh và tầm quan trọng của ngoại giao vaccine, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học-Công nghệ.

Việt Nam đã được đạt được những kết quả tích cực trong ngoại giao vaccine với nhiều đối tác, trong đó có Liên bang Nga, khi Việt Nam không chỉ tiếp cận được nguồn vaccine của Nga mà còn đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ để gia công vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Tại Liên bang Nga, từ đầu tháng 8, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tìm hiểu kinh nghiệm của Nga trong phòng chống dịch, tìm kiếm các nguồn thuốc điều trị và đặc biệt là vaccine để phối hợp với trong nước triển khai mua, nhập khẩu. Tổ công tác phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành trong nước và các doanh nghiệp được nhà nước chỉ định đứng ra mua vaccine và thuốc điều trị làm việc với các cơ quan chức năng của Nga - ở đây là Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF).

Cuối tháng 9, trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hợp tác phòng chống COVID-19 giữa Việt Nam và Nga cũng được coi là một trong bốn nội dung làm việc trọng tâm. Cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các lãnh đạo nước bạn đã bàn đến các biện pháp cụ thể trong hợp tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19, bao gồm cả việc cung cấp vaccine Sputnik V cho Việt Nam, cũng như việc chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik V tại Việt Nam.

Đến 28/9, lô vaccine Sputnik V đầu tiên cũng đã được Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) tiếp nhận tại Hà Nội. Buổi lễ chuyển giao diễn ra tại sân bay Nội Bài với sự tham dự của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đại diện Bộ Ngoại giao, các cơ quan quản lý, ngoại giao, thương mại hai nước… Trước đó, ngày 26/9, VABIOTECH cũng công bố sản xuất thành công lô vaccine phòng COVID-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn được Viện Gamalaya (Nga) phân tích và thẩm định.

VABIOTECH - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế là đối tác nhận chuyển giao công nghệ gia công đóng gói và sản xuất vaccine Sputnik V của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tại Việt Nam theo hợp đồng sản xuất, chuyển giao công nghệ và nhập khẩu với số lượng hàng giai đoạn đầu tiên từ nay tới tháng 6/2022 là 40 triệu liều vaccine theo thỏa thuận đã ký kết.

Theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Nga, do hiện tại nguồn cung vaccine trên thế giới còn khan hiếm, Việt Nam có chủ trương đa dạng các nguồn cung vaccine để phục vụ cho mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, Nga là nước có nền khoa học, y học rất tốt, bằng chứng thể hiện qua việc Nga đã sáng chế và đăng ký tổng cộng 4 loại vaccine phòng COVID-19 và kết quả miễn dịch lên tới trên 97% của Sputnik V. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ xem xét một số loại vaccine phòng COVID-19 và thuốc chữa khác của Nga.

PT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/ung-ho-quy-vaccine-phong-chong-covid19/ngoai-giao-vaccine-va-no-luc-dua-viet-nam-thanh-trung-tam-san-xuat-vaccine/448852.vgp