Ngoại giao Việt Nam: Phụng sự đất nước, phát huy vai trò tiên phong

Thắng lợi lịch sử 30/4/1975 và những thành công trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đổi mới, hiện đại có sự góp phần không nhỏ của ngành Ngoại giao.

Toàn cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Toàn cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Ngoại giao hiện đại Việt Nam góp phần không nhỏ vào thắng lợi to lớn trọng sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nên thắng lợi lịch sử 30/4/1975, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành tích kể trên là niềm cổ vũ, động lực để ngành Ngoại giao tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đóng góp vào thắng lợi 30/4/1975

Với việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973, Việt Nam chủ trương thực hiện nghiêm chỉnh những điều đã cam kết. Rất tiếc, chính quyền Mỹ và Sài Gòn lại không tuân thủ Hiệp định, buộc chúng ta phải đẩy mạnh cuộc kháng chiến.

Bộ Chính trị họp ngày 30/9-8/10/1974 đã phân tích, đánh giá tình hình và xác định “đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn, đồng thời, thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976”.

Ba tháng sau (18/12/1974 - 8/1/1975), Bộ Chính trị họp mở rộng và khẳng định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975… là một khả năng hiện thực”. Bộ Chính trị giao cho ngành Ngoại giao nhiệm vụ: “sử dụng khôn khéo vũ khí đấu tranh ngoại giao, góp phần giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc…, làm sáng tỏ chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới…”.

Với quyết tâm cao, ngành Ngoại giao đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Việt Nam đã vận dụng nghệ thuật ngoại giao khéo léo trong đàm phán Hiệp định Paris và công cuộc giải phóng miền Nam, với sáu điểm mấu chốt: kết hợp đánh và đàm; giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; phối hợp các binh chủng của ngoại giao, các hình thức ngoại giao; áp dụng nghệ thuật đàm phán: chờ đợi thời cơ, xây dựng lập luận thuyết phục, có chiến lược sách lược rõ ràng, nhân nhượng có nguyên tắc và xác định điểm dừng; ứng xử khéo léo với Liên Xô và Trung Quốc; và xây dựng, phát huy vai trò cơ quan nghiên cứu chiến lược.

Có thể nói, các hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế đã tạo dựng được hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, tạo ra nguồn lực cả về vật chất và tinh thần đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Thực tế chứng tỏ thắng lợi trên chiến trường cả hai miền Nam, Bắc đóng vai trò quyết định.

Trong khi đó hoạt động ngoại giao đã góp phần hỗ trợ chiến trường đồng thời phát huy hơn nữa thắng lợi ở chiến trường để giành thắng lợi lớn hơn, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Nguồn: TTXVN)

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Nguồn: TTXVN)

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Việt Nam bắt đầu một giai đoạn mới, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Ngoại giao cũng khởi đầu một thời kỳ mới. Những năm đầu thời kỳ hậu chiến và từ Đại hội VI của Đảng (1986) là thời kỳ Đổi mới, phát huy tinh thần 30/4, ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ nhất, Ngoại giao đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, Khmer Đỏ đã xâm phạm chủ quyền và tàn sát dã man đồng bào ta, thực hiện chính sách diệt chủng, làm sứt mẻ tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, phá hoại hòa hình, ổn định ở Đông Nam Á và thế giới. Ngoại giao góp phần quan trọng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh quốc gia, và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, với việc ký kết Hiệp định Paris về Campuchia (10/1991).

Ngoại giao cũng có những đóng góp quan trọng bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, bảo vệ quyền chủ quyền biển đảo, giải quyết nhiều vấn đề biên giới trên bộ và trên biển với các nước liên quan như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, tạo cơ sở pháp lý xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và sự ổn định trong khu vực.

Thứ hai, ngoại giao đóng vai trò chủ lực đẩy lùi chính sách cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế giai đoạn 1979-1991, mở rộng quan hệ với thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 thành viên Liên hợp quốc, trong đó có tất cả các nước lớn. Việt Nam cũng có quan hệ với hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, với 247 các đảng chính trị tại 111 nước trên thế giới. Việt Nam thiết lập quan hệ đặc biệt với nước bạn Lào và Cuba; 30 quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các trung tâm quyền lực thế giới.

Thứ ba, ngoại giao thúc đẩy hội nhập quốc tế, là giai đoạn phát triển cao của hợp tác quốc tế, là quá trình áp dụng và tham gia xây dựng các quy tắc, luật lệ chung của cộng đồng quốc tế, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng cả song phương và đa phương, cả khu vực và quốc tế, trong mọi lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quân sự, an ninh và các lĩnh vực khác.

Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia đàm phán, ký kết các (FTA), hiện đã ký kết 15 FTA, đặc biệt là CPTPP, RCEP, EVFTA và Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh (UKVFTA); đang đàm phán Việt Nam - EFTA (Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và Israel.

Thứ tư, ta đã tranh thủ được nhiều nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Với thị trường không ngừng mở rộng (30 nước, vùng lãnh thổ những năm 90) nay hơn 224 thị trường; tổng kim ngạch hai chiều vượt hơn nhiều so với GDP. Năm 2020, GDP của Việt Nam là 343 tỷ USD, xuất khẩu 264,19 tỷ USD, nhập khẩu 253,07 tỉ USD. Việt Nam trở thành nền kinh tế thứ tư trong ASEAN, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD). Về đầu tư nước ngoài, đến 20/8/2020, Việt Nam có 32.539 dự án với tổng vốn đăng ký: 381,2 tỷ USD, đồng thời đã tranh thủ được gần 90 tỷ USD vốn ODA tính cho tới tháng 8/2020.

Thứ năm, ngoại giao giúp nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Việt Nam chủ động ứng cử và tham gia nhiều cơ chế và diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng, đóng góp vào thành công của các cơ chế, diễn đàn như: Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010, 2020 và AIPA-41 năm 2020, chủ trì Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 và 2017, Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên năm 2019, cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ (2008-2009) và (2020-2021), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2023-2027), Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ (2001-2005), Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ (2021-2023), Hội đồng khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới nhiệm kỳ (2022-2025), ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ (2023-2025)…

Ngành Ngoại giao cũng tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh cho hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Ngoại giao đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bằng các biện pháp ngoại giao vaccine, bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài…

***

Thực hiện đường lối chính sách đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, phối hợp chặt chẽ với các quân binh chủng đối ngoại khác, trên tinh thần lợi ích quốc gia - dân tộc trên hết, ngoại giao Việt Nam đã và đang “phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới”.

Chúng ta quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu phát triển mà Đại hội đã đặt ra: đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, là nước phát triển, thu nhập cao.

Với ý chí tự lục tự cường, khát vọng và phát triển đất nước phồn vinh, với sức mạnh của cả dân tộc, tin tưởng rằng ngành Ngoại giao sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

GS.TS. Vũ Dương Huân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-viet-nam-phung-su-dat-nuoc-phat-huy-vai-tro-tien-phong-181904.html