Ngoại giao vượt qua biên giới

Những cây cầu nối giữa Colombia và Venezuela đã mở cửa trở lại từ cuối tháng 9-2022, đánh dấu việc nối lại các hoạt động giao thương đường bộ giữa hai nước sau 7 năm đóng cửa, trong đó có 3 năm đóng cửa toàn bộ. Đây là nỗ lực ngoại giao của chính phủ hai nước nhằm cải thiện quan hệ song phương sau nhiều năm bị

Những cây cầu nối giữa Colombia và Venezuela đã mở cửa trở lại từ cuối tháng 9-2022, đánh dấu việc nối lại các hoạt động giao thương đường bộ giữa hai nước sau 7 năm đóng cửa, trong đó có 3 năm đóng cửa toàn bộ. Đây là nỗ lực ngoại giao của chính phủ hai nước nhằm cải thiện quan hệ song phương sau nhiều năm bị “đóng băng”.

Sau 7 năm đóng cửa biên giới, ngày 26-9 vừa qua, cây cầu Simón-Bolívar, biểu tượng kết nối giữa thị trấn Villa del Rosario (Colombia) với thị trấn San Antonio del Táchira (Venezuela) đã đón những chiếc xe tải đầu tiên trong sự hân hoan của người dân hai nước.

Trong khi chiếc xe tải của Venezuela chở nhôm đến Colombia thì ở chiều ngược lại, chiếc xe tải của Colombia mang theo các thiết bị y tế cũng lăn bánh sang bên kia biên giới. Tổng thống Colombia Gustavo Petro gọi đây là sự kiện lịch sử và không thể đảo ngược. Về phần mình, trong một thông điệp phát trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định đây là bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa hai nước láng giềng anh em. Ông Maduro tin tưởng sự kiện này sẽ đóng góp vào quá trình khôi phục hoàn toàn quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước mà hai chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy.

Ngày 19-8-2015, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố đóng cửa một phần biên giới với cáo buộc quân đội Colombia đã tấn công vào một đội tuần tra của Venezuela. Hàng trăm người Colombia bị trục xuất khỏi Venezuela sau đó, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ đầu năm 2019 khi Tổng thống Colombia khi đó là Ivan Duque công nhận Juan Guaido, một thủ lĩnh đối lập ở Venezuela, là “Tổng thống lâm thời” của nước láng giềng.

Trong 7 năm qua, không có phương tiện giao thông công cộng hay phương tiện cá nhân nào đi qua hai cây cầu quốc tế Simón-Bolívar và Francisco-de-Paula-Santander, mang tên hai vị anh hùng của nền độc lập Venezuela và Colombia. Giữa hai cây cầu Simón-Bolívar và Francisco-de-Paula-Santander là Tienditas - cây cầu thứ ba rộng nhất, hiện đại nhất, được hoàn thành năm 2016 nhưng chưa được khánh thành.

Thành phố Cúcuta, thủ phủ của vùng Norte de Santander ở phía Đông Bắc Colombia, một trong những biên giới năng động nhất ở Mỹ Latin, trở nên thưa thớt người qua lại. Theo Báo Libération của Pháp, trao đổi hàng hóa hiếm hoi giữa Colombia và Venezuela chỉ diễn ra ở khu vực cách Cúcuta 600km về phía Bắc, qua sa mạc Guajira và Đồn biên phòng Paraguachón, hoặc qua cảng Cartagena de Indias. Số liệu của Bộ Thương mại Colombia cho biết, thương mại song phương của hai nước vốn đạt 7 tỷ USD vào năm 2008, đã giảm xuống còn 222 triệu USD vào năm 2020 và 394 triệu USD vào năm 2021.

“Việc đóng cửa biên giới không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giao thương mà còn là sự chia cắt giữa hai dân tộc”, ông Carlos Luna, Chủ tịch Ủy ban liên doanh nghiệp vùng Norte de Santander nhấn mạnh. Theo ông, người dân Venezuela và Colombia ở khu vực biên giới lâu nay vẫn qua lại lẫn nhau để trao đổi học tập, chữa bệnh, đi du lịch... Việc đóng cửa biên giới trong những năm qua đã gây cản trở sinh hoạt của người dân vùng biên giữa hai nước.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Petro nỗ lực thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử là khôi phục quan hệ giữa Colombia và Venezuela. Đáp lại thiện chí của Bogota, Chính phủ của Tổng thống Maduro cũng nỗ lực nhằm “phá băng” quan hệ hai nước. Quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau đó có nhiều bước phát triển mới với việc nối lại quan hệ ngoại giao, mở cửa trở lại đại sứ quán tại mỗi nước và chính thức tiếp nhận Đại sứ của nhau.

Theo AFP, ngoài việc chính thức mở lại đường biên giới dài 2.219km giữa Venezuela và Colombia, hoạt động đường không trực tiếp giữa hai nước cũng đã được khôi phục với việc tái khởi động đường bay Caracas-Bogota của hãng hàng không Turpial.

Chính phủ hai nước hy vọng với việc nối lại các hoạt động giao thương, kim ngạch trao đổi thương mại hai nước sẽ từng bước hồi phục và có thể đạt trên 1 tỷ USD trong năm sau. Tổng thống Petro khẳng định, các cửa khẩu đường bộ là biểu tượng của tình đoàn kết giữa hai dân tộc, đồng thời cho biết chính phủ hai nước đang thảo luận về khả năng thiết lập một khu vực đặc biệt ở vùng biên giới để có thể thúc đẩy các hoạt động hội nhập thương mại một cách rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức. Hai nước cần khôi phục cơ sở hạ tầng, mở lại lãnh sự quán, khởi động lại hợp tác song phương và giải quyết các vấn đề an ninh trong bối cảnh tình trạng buôn lậu ma túy, vũ khí và người gia tăng thời gian qua./.

Theo Báo QĐND

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202210/ngoai-giao-vuot-qua-bien-gioi-2553334/