Ngoại hạng Anh 2022/23: Nhận diện vụ chuyển nhượng thành công và thất bại nhất
Hãy cùng điểm lại những bản hợp đồng thành công và thất bại nhất Ngoại hạng Anh mùa giải 2022/23.
Ngoại hạng Anh mùa giải 2022/23 đã chính thức khép lại. Hãy cùng nhìn lại một mùa giải sôi động, hấp dẫn, kịch tính của giải đấu số 1 xứ sở sương mù, qua loạt bài của chúng tôi bắt đầu từ ngày 30/5!
Mùa giải Premier League đã kết thúc và chúng ta có thể nhìn lại để thấy tính hiệu quả trong mua sắm của 20 CLB. Để điểm qua các thương vụ thành công và thất bại nhất, chúng ta sẽ tổng hợp các ứng cử viên trước khi chọn ra top 3 vụ mua hiệu quả nhất và top 3 kém nhất. Cần nhấn mạnh rằng yếu tố giá tiền sẽ không hoàn toàn là quan trọng nhất ở đây.
Top 5 ứng viên cho những vụ mua hiệu quả nhất
Erling Haaland (Man City) - 52 triệu bảng
Gabriel Jesus (Arsenal) - 45 triệu bảng
Casemiro (MU) - 70 triệu bảng
Alexander Isak (Newcastle) - 63 triệu bảng
Morgan Gibbs-White (Nottingham Forest) - 42,5 triệu bảng
Thành công của Haaland là khỏi phải nói khi anh không những giúp Man City vô địch mà còn xô đổ một loạt kỷ lục ghi bàn của Premier League, bao gồm cả kỷ lục bàn thắng ghi trong 1 mùa. Do đó Haaland xứng đáng đứng trong top 3 và thậm chí có thể là vụ mua hiệu quả nhất mùa giải.
Trong các ứng viên còn lại, hiệu ứng của Casemiro với MU là rất nổi bật khi anh giúp MU đoạt top 4 và có công trực tiếp trong chức vô địch League Cup, điểm trừ chỉ là đến cuối mùa giải phong độ của anh không còn quá tốt phần nào do kiệt sức. Trong khi đó Jesus và Isak đều tạo ra bước đột phá cho hàng công Arsenal và Newcastle, nhưng họ đều trải qua giai đoạn vắng mặt tương đối dài do chấn thương.
Gibbs-White là một trường hợp khác thường so với 4 người còn lại do đá cho một đội chật vật trụ hạng, và phải nói rằng 5 bàn & 7 kiến tạo của anh có giá trị như vàng để giúp đội mới lên hạng ở lại Premier League thành công dù đầu mùa họ chết dí ở đáy BXH. Không có Gibbs-White là Nottingham không đá được, trong khi Arsenal vẫn vững ngôi đầu trong lúc Jesus vắng mặt còn Newcastle đã hình thành vị thế top 4 trước khi Isak hòa nhập đội 1.
Do đó top 3 vụ mua thành công nhất sẽ là Erling Haaland, Casemiro và Morgan Gibbs-White.
Những vụ mua thành công ấn tượng khác: Lisandro Martinez (MU), Sven Botman (Newcastle), Oleksandr Zinchenko (Arsenal), Joao Palhinha (Fulham), Pervis Estupinan (Brighton), Manuel Akanji (Man City).
Top 5 vụ mua tồi tệ nhất
Mykhaylo Mudryk (Chelsea) - 62 triệu bảng
Richarlison (Tottenham) - 60 triệu bảng
Georginio Rutter (Leeds) - 35,5 triệu bảng
Yves Bissouma (Tottenham) - 35 triệu bảng
Kamaldeen Sulemana (Southampton) - 22 triệu bảng
Sulemana là một thảm họa cho Southampton khi đá 17 trận không ghi được bàn nào, mặc dù tiền đạo này vốn đã ghi chỉ 1 bàn sau 14 trận cho Rennes ở nửa đầu mùa giải, trong khi Georginio Rutter cũng chưa ghi bàn nào cho Leeds. Mudryk “khá hơn” chút với 2 kiến tạo nhưng vẫn tịt ngòi kể từ khi đến Chelsea, và cả ba cầu thủ đều đến Premier League từ tháng 1.
Richarlison đá cả mùa mới ghi 1 bàn ở Premier League (và 3 bàn ở mọi giải đấu) cũng xứng đáng được nhắc đến. Yves Bissouma thì tệ theo cách khác, anh đến Tottenham với số tiền của một cầu thủ đá chính nhưng đã dự bị phần lớn mùa giải cả do đá kém lẫn chấn thương, nhưng Bissouma ít nhất có cái cớ chấn thương để biện hộ.
Sulemana, Rutter đều xứng với top 3 vụ tệ nhất. Vị trí còn lại phải rơi vào Richarlison, bởi anh đã có 9 tháng mùa giải để tạo dấu ấn mà chẳng làm được gì so với một Mudryk mới đến. Vậy chúng ta có top 3 vụ tệ nhất là Kamaldeen Sulemana, Georginio Rutter và Richarlison.
Những vụ mua tệ đáng chú ý khác: Raheem Sterling (Chelsea), Marc Cucurella (Chelsea), Gianluca Scamacca (West Ham), Luis Sinisterra (Leeds), Maxwel Cornet (West Ham), Djed Spence (Tottenham).
Mời các bạn đón đọc phần cuối, cùng nhìn lại cuộc đua song mã giữa Arsenal và Man City ở mùa giải vừa qua hấp dẫn kịch tính ra sao, vào sáng 5/6!
Q.D