Ngoại hình ảnh hưởng tới cuộc phỏng vấn tuyển dụng thế nào?
Quan điểm của chúng ta về một ứng viên cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta theo những cách khác ít rõ ràng hơn.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang đối mặt với một quyết định tuyển dụng. Bộ phận của bạn đã được phép bổ nhiệm một người quản lý cấp trung với khoảng 10 năm kinh nghiệm. May mắn thay, bộ phận nhân sự của bạn đã thực hiện hầu hết các công việc nặng nhọc, sàng lọc hàng trăm ứng viên và lọc ra được hai ứng viên đủ tiêu chuẩn. Họ thậm chí còn lên lịch trước để bạn có thể phỏng vấn cả hai qua điện thoại.
Ngay trước cuộc gọi đầu tiên, bạn xem qua sơ yếu lý lịch và lưu ý những điểm mạnh tương đối của ứng viên. Bạn có được vài phút rảnh rỗi, vì vậy bạn quay sang máy tính của mình và tìm kiếm hồ sơ trên LinkedIn của họ để xem họ mặt mũi thế nào. Cả hai ứng viên dường như đều đã ngoài ba mươi, nhưng một người trông đẹp hơn người kia rất nhiều.
Điều đó có khiến mọi thứ khác đi không? Hoặc, hãy hỏi một câu hỏi khiêu khích hơn một chút, liệu có khi nào người ứng viên điển trai hơn sẽ trả lời phỏng vấn tốt hơn chỉ vì bạn thấy ngoại hình của anh ta hấp dẫn không?
Trong một thí nghiệm cổ điển được tiến hành vào cuối những năm 1970, các nhà Tâm lý học tại Đại học Minnesota đã xem xét chính câu hỏi này. Một nhóm đàn ông được cho xem ảnh của một phụ nữ hấp dẫn hoặc kém hấp dẫn và được thông báo rằng họ sẽ nói chuyện với cô ấy qua điện thoại trong 10 phút. Trên thực tế, những người phụ nữ trong ảnh không liên quan gì đến nghiên cứu cả. Những người đàn ông ấy thực sự đang nói chuyện với một người tham gia thử nghiệm được chỉ định ngẫu nhiên mà họ chưa từng gặp.
Sau khi cuộc trò chuyện kết thúc, những người thử nghiệm yêu cầu những người đàn ông kia đánh giá ấn tượng của họ về người mà họ trò chuyện cùng. Không có gì ngạc nhiên khi những người nghĩ rằng họ đang nói chuyện với một phụ nữ hấp dẫn đánh giá đối tác của họ dễ mến hơn những người đàn ông tin rằng họ đang nói chuyện với một đối tác kém hấp dẫn về ngoại hình.
Mà điều đáng ngạc nhiên là những gì xảy ra tiếp theo cơ. Sau đó, các nhà Tâm lý học đã ghi âm lại các cuộc trò chuyện và yêu cầu một nhóm những người đánh giá độc lập lắng nghe. Điều quan trọng là những người thực hiện thử nghiệm đã không cho những người đánh giá biết những người đàn ông kia đã xem bức ảnh nào. Vậy những người đánh giá ấy đã nhìn nhận những người phụ nữ như thế nào?
Hóa ra, họ lại đồng ý với ý kiến của những người đàn ông tham gia thử nghiệm. Họ cũng nhận thấy những phụ nữ vốn được đánh giá là ưa nhìn hơn lại dễ mến, thân thiện và hòa đồng hơn.
Làm sao chuyện này lại xảy ra được? Câu trả lời nằm ở cách cư xử của những người phỏng vấn nam. Khi những người đàn ông nghĩ rằng họ đang nói chuyện với một người phụ nữ hấp dẫn, họ sẽ cư xử theo cách làm nổi bật những phẩm chất tốt nhất ở đối tác của họ. Họ cư xử thân thiện hơn và thể hiện nhiều sự ấm áp hơn hẳn, từ đó kích thích được phản ứng tích cực hơn.
Ấn tượng đầu tiên của họ đã tạo ra một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Một quá trình tương tự cũng diễn ra khi chúng ta phỏng vấn những người xin việc. Những kỳ vọng ban đầu của chúng ta dẫn dắt chúng ta đi theo một lộ trình mà sẽ ảnh hưởng đến thông tin mà chúng ta tiếp nhận, cũng như những câu hỏi mà chúng ta đặt ra.
Một ứng viên có vẻ hướng ngoại có thể sẽ được hỏi về việc liệu cô ấy “có kinh nghiệm lãnh đạo nhóm hay không”, trong khi một ứng viên mà chúng ta cho là hướng nội hơn có thể được hỏi liệu cô ấy có “thoải mái trong môi trường làm việc nhóm hay không”. Sự thay đổi trong cách diễn đạt là điều gì đó khó nhận ra, nhưng những thông tin phản hồi mà chúng ta nhận được từ lối diễn đạt đó lại có thể khác nhau rõ rệt, khiến chúng ta tin rằng những ấn tượng ban đầu của mình luôn đúng.
Quan điểm của chúng ta về một ứng viên cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta theo những cách khác ít rõ ràng hơn. Khi yêu mến những người mà chúng ta đang phỏng vấn, chúng ta có xu hướng gọi tên họ thường xuyên hơn, khuyến khích nhiều hơn khi họ nói (với một cái gật đầu và thỉnh thoảng nói “vâng” hay “ừ”), và tích cực chuyển từ câu hỏi này sang câu hỏi khác hơn (nghĩ rằng “Được rồi, tuyệt vời” thay vì im lặng hoàn toàn). Phản hồi của chúng ta càng đáng khích lệ, ứng viên càng tự tin hơn và thể hiện càng tốt hơn.
Tuy nhiên, vấn đề với ấn tượng đầu tiên là chúng ta không thể tránh được việc đánh giá quá cao giá trị của chúng.
Những thông tin đầu tiên chúng ta có được về một cá nhân có xu hướng ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta diễn giải thông tin được tiết lộ sau này, mặc dù có thể thực tế thông tin ban đầu đó không phải là tiêu biểu cho đặc điểm của cá nhân đó. Cuộc phỏng vấn trên tương đương với điều mà nhà Tâm lý học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman gọi là mỏ neo nhận thức.