Ngoại ngữ sẽ là chìa khóa để các em trở thành công dân toàn cầu
Là tấm gương về tự học ngoại ngữ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gửi gắm cho học sinh trường Thân Nhân Trung nhiều bài học bổ ích để trở thành công dân toàn cầu.
Ngày 29/3, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với trường Trung học phổ thông Thân Nhân Trung (Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, Việt Yên, Bắc Giang) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Là một trong những ngôi trường non trẻ nhất của tỉnh Bắc Giang (thành lập năm 2019) trường Trung học phổ thông Thân Nhân Trung mang cho mình sứ mạng mới, sứ mạng đào tạo học sinh trở thành công dân toàn cầu.
Dù “sinh sau, đẻ muộn” trường Thân Nhân Trung hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, các kỹ năng cơ bản; phát triển năng lực cá nhân, sự năng động và sáng tạo; ý thức tự lập và trách nhiệm công dân.
Học sinh có những hiểu biết toàn diện và chi tiết về hướng nghiệp để lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân.
Nằm trong khuôn viên Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, Trường Trung học phổ thông Thân Nhân Trung vinh dự được kế thừa truyền thống tự hào hơn 60 năm của Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang.
Đặc biệt, Trường Thân Nhân Trung có cảnh quan thiên nhiên được đánh giá thuộc đẹp nhất khu vực miền Bắc, với môi trường trong lành của khuôn viên gần 60ha. Toàn cảnh nhà trường như một công viên sinh thái gồm hồ nước, đảo cây xanh, đảo cò, thảm hoa, … cùng với khu trình diễn nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống nhà lưới và mô hình thủy canh hiện đại sẽ là một môi trường lý tưởng cho học sinh, giáo viên học tập và rèn luyện.
Trong hội trường vừa đủ 500 chỗ cho 2 khối học sinh lớp 10, 11, các em học sinh đã được lắng nghe những chia sẻ gần gũi, đầy bổ ích của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, một trong những chuyên gia giáo dục uy tín; một trong những nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực.
Từng có cơ hội công tác, làm việc tại 30 quốc gia trên thế giới, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã mang những câu chuyện trải nghiệm của bản thân để các em học sinh hiểu rõ về thời đại công nghiệp 4.0.
Chúng ta được thừa hưởng những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng 4.0 nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Cả sân trường nín lặng khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về lòng hiếu thảo
Mối lo ngại về vấn đề sa thải công nhân, con người thất nghiệp khi robot thâm nhập sâu vào các lĩnh vực sản xuất được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đặt ra cho các em học sinh.
“Chúng ta phải làm gì để đối diện, vượt qua khó khăn đó, phải làm gì để thành công và tạo nên giá trị của bản thân?”, Giáo sư đặt câu hỏi.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các em sẽ trở thành công dân toàn cầu. 3 điều kiện để trở thành công dân toàn cầu là sức khỏe, biết ít nhất một ngoại ngữ - tiếng Anh và có kiến thức về công nghệ thông tin.
Giáo sư nhắn nhủ rằng: “Các em hôm nay đang được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, có điều kiện học tập tốt, còn có nhiều thời gian để học tập, vì vậy, khi còn là học sinh phổ thông, các em nên học ngoại ngữ, nên học về lập trình, công nghệ thông tin”.
Là người biết 4 ngoại ngữ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định vai trò quan trọng của việc học ngoại ngữ, đó là chìa khóa giúp chúng ta phá vỡ giới hạn của tri thức, mang tới cơ hội học tập, trải nghiệm ở nước ngoài, ngoại ngữ phục vụ nghiên cứu khoa học, tìm kiếm kiến thức...
Một điều không kém phần quan trọng khi học sinh chuẩn bị hành trang bước vào thời đại 4.0 chính là sự lạc quan.
Cuộc sống mở ra vô vàn cơ hội, hãy đón nhận mọi thứ với một tâm thế lạc quan, vui vẻ, hạnh phúc. Lạc quan là suy nghĩ tích cực để mình làm việc thật tốt, vượt qua những giới hạn của bản thân, sống lạc quan là giương căng cánh buồm để hướng tới mục tiêu của mình.
Những lời khuyên, những câu chuyện kể của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khiến các em trường Thân Nhân Trung rất hào hứng.
Nhiều em học sinh cho biết, không ngờ có một ngày mình được lắng nghe, chia sẻ của một giáo sư nổi tiếng như vậy.
Ở trường Thân Nhân Trung, với sứ mạng đào tạo học sinh trở thành công dân toàn cầu, những bài học, sự chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giúp các em học sinh phấn chấn, tự tin và tự định hướng cho mình tương lai.
Đặc biệt là những câu chuyện về sự lạc quan, tinh thần tự học tập của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền cảm hứng đến với các thầy cô và các em học sinh.
Dành lời khuyên cho các em, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi gắm: “Bố mẹ, thầy cô và mọi người không thể thay em quyết định việc em sẽ trở thành ai. Bản thân em mới biết mình muốn gì, mình có thể đi tới đâu.
Hãy học tập là để trở thành người tự do, để tự chọn con đường của chính mình, độc lập và sống theo mục đích của bản thân. Sự tự do ấy trước hết là về tư tưởng, hãy tự quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào”.
Cuối buổi hội thảo, Tiến sĩ Diêm Đăng Huân- Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thân Nhân Trung đã gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo đầy ý nghĩa dành cho thầy và trò trường nhà trường.
Theo thầy Huân, những điều Giáo sư chia sẻ không chỉ có ích cho các em học sinh, mà ngay cả những giáo viên chúng tôi cũng học được nhiều điều, đặc biệt là việc hướng nghiệp cho các em học sinh tại trường Thân Nhân Trung.
Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức tổ chức.
Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.
Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.
Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.