Ngoại thành Hà Nội chuẩn bị đấu giá đất ồ ạt: Liệu có còn 'hot'?

Trong các phiên đấu giá cuối tháng 9, đầu tháng 10 sắp tới có thể sẽ không còn 'hot' như trước đó, tuy nhiên vẫn không loại trừ khả năng vẫn có các nhà đầu tư, đầu cơ đất đai tới tìm kiếm cơ hội.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, hai huyện Đan Phượng và Thanh Oai (Hà Nội) sẽ đấu giá hơn 80 lô đất với giá khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2.

Cụ thể, tại huyện Đan Phượng, ngày 30/9 tới đây sẽ đấu giá 26 thửa đất thuộc khu Đồng Sậy - Trẫm Sau (giai đoạn 2), thị trấn Phùng. Các thửa đất có diện tích dao động từ 55m2 đến 99m2, giá khởi điểm từ 14 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước của các lô đất dao động 193 - 278 triệu đồng/lô.

 Trong các phiên đấu giá cuối tháng 9, đầu tháng 10 sắp tới có thể sẽ không còn ‘hot’ như trước đó. (Ảnh: VT)

Trong các phiên đấu giá cuối tháng 9, đầu tháng 10 sắp tới có thể sẽ không còn ‘hot’ như trước đó. (Ảnh: VT)

Quá trình đấu giá sẽ được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại buổi đấu giá và theo phương thức trả giá lên. Khách hàng đã biết vị trí khu đất có thể trực tiếp đến xem thực địa.

Buổi đấu giá chính thức sẽ diễn ra vào ngày 30/9 tại hội trường UBND thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.

Ngày 5/10, huyện Thanh Oai sẽ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 58 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man nằm trong thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Các lô đất có diện tích từ 76,55 m2 đến 189,73 m2; giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2, tương đương từ gần 406 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Khách hàng tham gia đấu giá đất phải nộp trước hơn 81 triệu - 201 triệu đồng. Hình thức đấu giá từng thửa đất bằng việc bỏ phiếu kín trực tiếp một lần đấu.

Trước đó, trong tháng 8 và tháng 9/2024, một số huyện ngoại thành của Hà Nội cũng tổ chức nhiều đợt đấu giá sử dụng đất. Kết quả, nhiều lô đất trúng đấu với mức giá cao ngất ngưởng, vượt xa so với giá trị thực tế.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, nhiều người trúng đấu giá đất đã thông báo “quay xe” hủy cọc.

Đơn cử, trong phiên đấu giá 68 thửa đất tại Thanh Oai diễn ra ngày 10/8, cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền. Những lô đất nộp đủ tiền có mức giá trúng thấp. Trong khi đó, lô đất được trúng giá hơn 100 triệu đồng/m2 hiện chưa nộp và bỏ cọc.

Theo quy định hiện hành, mức đặt cọc tối thiểu chỉ là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Trên thực tế, mức giá khởi điểm khá thấp, nên mức đặt cọc không quá cao.

Ví dụ ở phiên đấu giá tại Hoài Đức vừa qua, mỗi lô đất có giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, diện tích 74 - 118 m2 là khoảng 540 - 861 triệu đồng. Với mức đặt cọc tối thiểu 5% thì nhà đầu tư chỉ phải cọc 27 - 43 triệu đồng/lô, còn với mức cọc tối đa 20% thì nhà đầu tư phải cọc 108 - 172 triệu đồng/lô.

Cũng chính vì mức đặt cọc không quá cao đã khiến không ít người đầu cơ đổ xô vào tham gia tạo hiệu ứng, đẩy giá trị lô đất khu vực đó bị thổi lên cao hơn nhiều so với giá trị thực.

TS Đỗ Xuân Trọng, Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đã đến lúc cần đẩy cao tỷ lệ đặt tiền cọc lên so với hiện tại. Bởi với mức thấp như bây giờ, số tiền không lớn sẽ dễ dẫn tới trường hợp nhà đầu tư đấu giá để đầu cơ, nếu không thoát được hàng sớm thì chấp nhận bỏ cọc.

“Trong khi đó, luật pháp hiện hành đang quy định người trúng đấu giá đất mà bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá đất trong thời gian nhất định lại không đủ sức răn đe, dễ bị luồn lách…”, ông Trọng nhận định.

Ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản có quan điểm: Sau các cơn “sốt” đấu giá đất tại ngoại thành Hà Nội trước đó, có thể trong các đợt đấu giá về sau sẽ hạ nhiệt.

“Trong các phiên đấu giá cuối tháng 9, đầu tháng 10 sắp tới có thể sẽ không còn ‘hot’ như trước đó, tuy nhiên vẫn không loại trừ khả năng vẫn có các nhà đầu tư, đầu cơ đất đai tới tìm kiếm cơ hội”, ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn đồng tình cần phải đưa ra mức đặt cọc đủ lớn, cao hơn mức quy định hiện tại để có tính răn đe.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngoai-thanh-ha-noi-chuan-bi-dau-gia-dat-o-at-lieu-co-con-hot-post313153.html