Ngoài thuế quan, Mỹ sở hữu vũ khí gì trong chiến tranh thương mại?
Ngoài việc gia tăng thuế, nâng rào cản với doanh nghiệp Trung Quốc hay làm đồng USD yếu đi là hai trong nhiều cách Mỹ có thể sử dụng trong chiến tranh thương mại.
Chiến tranh thương mại leo thang vài tuần qua đã khiến thị trường chứng khoán và nhiều ngân hàng trên khắp thế giới không khỏi lo lắng.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục gia tăng thuế quan đối với 300 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, không lâu sau cuộc đàm phán diễn ra tại Thượng Hải.
Mỹ thậm chí còn hành động mạnh tay hơn khi liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Năm 1994, quốc gia này cũng từng bị chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton liệt vào trường hợp thao túng tiền tệ và cho đến nay, chưa có thêm nước nào xuất hiện trong danh sách này.
Điều Bắc Kinh lo ngại là dù ông Trump đã rút hai “khẩu súng” lớn, Mỹ vẫn còn nhiều vũ khí để đấu với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại dai dẳng.
Một trong những đòn đánh có thể được Washington sử dụng là đồng USD – đồng tiền có dự trữ nhiều nhất thế giới.
Người đứng đầu Nhà Trắng trên trang Twitter cá nhân tuần trước đã kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện hạ lãi suất, giúp đồng USD yếu hơn để mang lại lợi thế xuất khẩu cho Mỹ.
Tuy vậy, hiệu quả của sự can thiệp trên được nhận định không hề rõ ràng, theo Bloomberg.
Ngay cả trong trường hợp Fed đồng ý hành động và sử dụng quỹ ngân khố thì 180 tỷ USD được bơm vào thị trường ngoại hối toàn cầu có giá trị 5 nghìn tỷ USD có thể cũng chỉ mang lại hiệu quả hạn chế.
Hơn nữa, động thái này sẽ khiến tâm lý thị trường lung lay, tạo hậu quả với nền kinh tế trong dài hạn.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump có thể gia tăng rào cản đối với đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ hoặc nhắm vào nguồn cung năng lượng của quốc gia này thông qua việc rút lại quy định miễn trừ, không cho phép Bắc Kinh tiếp tục mua dầu từ Iran hoặc Venezuela.
Việc ngăn cản dòng chảy đầu tư nước ngoài (FDI) từ Bắc Kinh sang Washington sẽ khiến bản thân nước Mỹ chịu thiệt.
Theo dữ liệu từ viện nghiên cứu Rhodium Group, FDI của Trung Quốc vào Mỹ đạt đỉnh 46,5 tỷ USD năm 2016 nhưng đã giảm gần 90% xuống chỉ còn 5,4 tỷ USD vào năm ngoái do chiến tranh thương mại cũng như việc kiểm soát dòng vốn chặt chẽ hơn.
Xét về tổng thể, việc sụt giảm này có thể không tạo ra ảnh hưởng đáng kể với nước Mỹ nhưng các ngành công nghiệp và các khu vực đang nhận mức đầu tư lớn sẽ bị thiệt hại.
Ngoài những biện pháp trên, ông Trump cũng có thể tạo ra rào cản với các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc sử dụng công nghệ Mỹ mà ZTE hay Huawei là ví dụ điển hình.
Trong cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cuối tháng 6, ông Trump cho biết sẽ nới lỏng hạn chế đối với Huawei nhưng phía Nhà Trắng lại đang hoãn việc cấp phép cho doanh nghiệp Mỹ hợp tác với nhà cung cấp viễn thông này sau khi Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua nông sản Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cũng nghiên cứu về những hạn chế đối với việc xuất khẩu của các ngành công nghiệp mới nổi như robot và AI khi các nhà sản xuất được yêu cầu giấy phép đặc biệt để bán sang Trung Quốc.