Ngoại tôi
Ngày còn bé, tôi là đứa cháu luôn bị ngoại la nhiều nhất vì ở chung nhà nên bao nhiêu tật xấu đều bị ngoại chỉnh hết. Lúc đó tôi từng nghĩ tại sao ở chung nhà nhưng ngoại lại không thương mình mà việc gì cũng cấm đoán, la mắng trong khi những anh chị em họ ngoại không la lấy một lời.
Tôi cầm trái sầu riêng bước vào nhà, hí hửng khoe với ngoại. Nhưng trả lời tôi là sự im lặng, tôi không còn nghe được những câu nói quen thuộc: “Mèn ơi, mắc không mà con mua hoài vậy?, “ Trái này chắc mắc dữ lắm hả con?”… Ngoại vẫn nhìn tôi với nụ cười trìu mến nhưng lại khiến tôi rơi nước mắt. Tôi khẽ đặt trái sầu riêng lên bàn rồi lấy nhang thắp cho ngoại.
Đó là loại trái cây mà ngoại thích ăn nhất, ngặt một nỗi đất nhà không trồng được đành phải ra chợ mua. Cứ mỗi lần mua là tôi và mẹ buộc phải nói dối ngoại nay đang mùa một ký có mười mấy ngàn thôi, ngoại mới chịu ăn. Ngoại từng sống trong thời chiến tranh, đã trải qua cảnh đói khổ nên ngoại quý đồng tiền lắm. Thắp nhang xong tôi ngồi bên chiếc võng ngoại hay nằm rồi nhìn lên bàn thờ của ngoại. Những hồi ức, kỷ niệm về ngoại cứ hiện lên trong tâm trí.
Ngày còn bé, tôi là đứa cháu luôn bị ngoại la nhiều nhất vì ở chung nhà nên bao nhiêu tật xấu đều bị ngoại chỉnh hết. Lúc đó tôi từng nghĩ tại sao ở chung nhà nhưng ngoại lại không thương mình mà việc gì cũng cấm đoán, la mắng trong khi những anh chị em họ ngoại không la lấy một lời. Tôi đâu biết rằng đối với ngoại tôi là viên ngọc vô giá cần phải mài giũa để được sáng bóng và không muốn bất cứ điều gì tồi tệ sẽ xảy ra đối với tôi.
Còn nhớ năm tôi học lớp năm, tôi thèm ăn rau câu vô cùng nên chạy sang nhờ anh họ chở đi mua bằng xe đạp. Lúc về tôi hí hửng chạy khoe với mẹ hôm nay tôi đã tự đi mua đồ. Nhưng ai ngờ rằng ngoại đã cầm cây roi chờ sẵn ngay cửa. Phản xạ của một đứa trẻ là chạy trốn để khỏi phải ăn đòn, tôi vừa chạy vừa la hét cầu xin ngoại đừng đánh.
Ngoại cố đuổi theo tôi được hai vòng đã thấm mệt. Không đuổi theo nữa, ngoại bỏ vô nhà và để cây roi trước cửa. Lần đầu tiên tôi thấy ngoại tức giận đến như vậy. Tôi chẳng dám vào nhà chỉ biết ngồi núp sau hè. Mẹ tìm tôi và kể cho tôi nghe ngoại đã lo lắng cho tôi đến thế nào khi tôi tự ý đi mà không xin phép. Chưa bao giờ ngoại để người khác chở tôi đi trừ ba và ông ngoại để bảo đảm tôi sẽ không xảy ra tai nạn gì khi ra đường. Tôi biết ngoại vừa lo vừa giận chỉ biết đi vào xin lỗi và để ngoại đánh ba roi. Đó là lần ăn rau câu trong nước mắt của tôi.
Ngoại thích nấu cơm bằng củi nên hay dẫn tôi ra sau vườn cao su mót củi để dành nấu cơm. Ngoại phân công cho tôi nhặt củi nhỏ, củi to thì để cho ngoại. Có lần tôi cứ mải mê nhặt củi không để ý tới ngoại đến khi quay lại thấy ngoại đang cầm bụi cỏ phủi quanh người, thấy vậy tôi cũng bắt chước nhổ đại bụi cỏ kế bên rồi chạy tới. Tôi đâu biết rằng ngoại đang bị bầy ong mặt quỷ vây chích đau đớn nhưng ánh mắt vẫn dõi theo tôi.
Thấy tôi đang chạy lại ngoại cố hét lớn: “Chạy đi con… chạy đi… đừng lại đây”. Đến lúc đấy tôi mới nhìn thấy rõ bầy ong đang vây quanh ngoại. Tôi òa khóc rồi kêu cứu nhưng trả lời tôi chỉ là tiếng của mình vọng lại giữa rừng cây. Ngoại ngã quỵ trước mặt tôi, tôi vội chạy lại ôm lấy ngoại. Thấy ngoại không còn sức lực, tôi càng khóc lớn hơn. Ngoại khẽ vỗ nhẹ tay tôi trấn an vì tôi cứ khóc mãi.
Lần đó ngoại mê man, sốt mấy ngày liền, trong cơn mê sảng, ngoại cứ kêu lớn “chạy đi con”. Lúc đó bao nhiêu giận hờn, oán trách ngoại nghiêm khắc, khó khăn với tôi điều tan biến hết, tôi nhận ra ngoại thương tôi nhiều đến thế nào. Sau lần bị ong chích đó, tôi và ngoại không còn đi mót củi nữa. Tôi không buồn hay giận mỗi lần bị ngoại la vì tôi biết ngoại thương nên mới nghiêm khắc như vậy.
Tốt nghiệp phổ thông, tôi đậu vào một trường cao đẳng ở Sài Gòn. Ngoại không muốn để tôi đi học xa nhưng vì tương lai, ngoại bấm bụng để tôi một mình lên đó. Sức khỏe tôi vốn không được tốt, lên Sài Gòn được hai tuần tôi bị bệnh nặng nhưng lúc nào gọi về cũng bảo mình ổn. Đến khi không còn chịu nổi nữa mới gọi về. Nghe tôi khóc trong điện thoại làm ba mẹ và ngoại khóc theo. Ngoại hối thúc ba đi tìm xe lên Sài Gòn rước tôi về bao nhiêu tiền ngoại trả cho. Tôi nằm suốt hai tháng trời mới khỏi bệnh.
Thế là tôi đã bỏ lỡ một năm. Ước muốn đi học lại vẫn còn, tôi quyết định thi vào trường sư phạm trong tỉnh, gần nhà nên gia đình đồng ý ngay. Cứ nghĩ học xong ra trường đi dạy có tiền tôi sẽ lo được cho ngoại và ba mẹ nhưng cuộc đời đâu suôn sẻ như mình nghĩ.
Ngày tôi thi tốt nghiệp, ngoại phải nhập viện vì bệnh nặng. Vào phòng thi tôi lại khóc, chỉ mong thời gian trôi nhanh để tôi được về gặp ngoại. Đêm đó, tôi và mẹ ở lại bệnh viện chăm ngoại, khẽ nắm lấy bàn tay của ngoại, tôi giật mình nhận ra ngoại đã gầy đi rất nhiều. Tôi ôm lấy ngoại thật chặt như thể chỉ cần buông tay ra ngoại sẽ biến mất. Lạ chỗ ngoại không ngủ được, chốc lát lại giật mình, cứ mỗi lần như thế tôi khẽ vuốt tóc ngoại để ngoại dễ ngủ hơn. Ngoại nhìn tôi cười nụ cười trìu mến. Đã lâu rồi ngoại không còn nghiêm khắc với tôi nữa, ngoại chỉ dành cho tôi những nụ cười ấm áp thôi.
Biết sức khỏe mình không thể cầm cự được lâu, ngoại nằng nặc đòi về nhà. Cả nhà đành chiều theo ý ngoại. Và điều tôi lo sợ đã đến. Ngày ngoại mất, tôi chỉ biết tìm một góc nhỏ trốn ở đấy rồi khóc. Tôi thèm được ôm ngoại vào lòng, cảm giác khi bạn muốn ôm ai đó nhưng chưa kịp chạm đến họ liền biến mất thật sự rất khó chịu. Suốt ba tháng ngoại nằm trên giường, ngày nào tôi cũng ôm ngoại nhưng lại chưa một lần nói với ngoại rằng “Con thương ngoại nhiều lắm!”, để đến khi ngoại mất mới nói ra thì đã quá muộn màng.
Mỗi lần nhìn vào di ảnh của ngoại, nước mắt lại đua nhau rơi còn ngoại thì vẫn nhìn tôi với nụ cười trìu mến ấy. Tôi vẫn mong nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn được làm cháu của ngoại, muốn được ngoại yêu thương dạy dỗ như trước đây. Và đến hết cuộc đời này, hình ảnh của ngoại vẫn luôn ở trong tim tôi là người phụ nữ tuyệt vời nhất. Người tôi không thể quên trong cuộc đời này.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ngoai-toi-a148579.html