Ngoại trưởng Anh, Mỹ đến Ukraine bàn việc nới lỏng giới hạn tên lửa tầm xa
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ngoại trưởng Anh David Lammy đã đến Kiev trong chuyến thăm chung trong bối cảnh Ukraine tiếp tục thúc đẩy các đồng minh cho phép sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo đó, hai ngoại trưởng này đã cùng nhau tới thủ đô Ukraine sau cuộc hội đàm ở London. Họ dự kiến gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymr Zelensky, người đã nhiều lần kêu gọi Washington nới lỏng các giới hạn đối với việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Blinken cho biết một trong những mục tiêu của họ là "nghe trực tiếp từ lãnh đạo Ukraine" về "mục tiêu của họ và những gì chúng tôi có thể làm để hỗ trợ những nhu cầu đó".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, chính quyền của ông đang "làm việc" để xem có nên dỡ bỏ các hạn chế hay không.
Chính sách này sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn khi Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer gặp Biden tại Nhà Trắng vào cuối tuần này.
Thủ tướng Ukraine - Denys Shmyhal đã cảm ơn ngoại trưởng Lammy vì sự hỗ trợ quân sự của Vương quốc Anh cho Ukraine trong suốt cuộc chiến.
Nhưng ông nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng thiết bị tầm xa để tấn công lãnh thổ kẻ địch của chúng tôi sẽ được cung cấp và chúng tôi sẽ có nó và chúng tôi hy vọng sự giúp đỡ và hỗ trợ của các bạn trong vấn đề này”.
Hiện tại, Mỹ và Anh chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga vì lo ngại căng thẳng leo thang.
Vương quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa Storm Shadow, có tầm bắn khoảng 250km (155 dặm). Cho đến nay, chúng chỉ được sử dụng để chống lại các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng.
Nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng họ cần tên lửa để nhắm vào các căn cứ không quân được máy bay chiến đấu Nga sử dụng để phóng những quả bom lượn có sức tàn phá chống lại Ukraine. Những loại vũ khí này thường được phóng từ sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Theo Điện Kremlin hôm 11/9, Nga sẽ đáp trả "thích hợp" nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công tên lửa vào lãnh thổ của mình.
Khi được các phóng viên hỏi liệu Mỹ có dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa của Ukraine hay không, Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông đang "giải quyết vấn đề đó".
Đầu năm nay, Mỹ đã nới lỏng một số hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các khu vực dọc biên giới Nga nơi quân đội của Moscow đang khai hỏa.
Các đồng minh khác của Kyiv cũng đang cung cấp một số vũ khí tầm xa đi kèm với những hạn chế về cách thức và thời điểm chúng có thể được sử dụng bên trong Nga, vì lo ngại các cuộc tấn công như vậy có thể thúc đẩy sự trả đũa kéo các nước NATO vào cuộc chiến hoặc kích động xung đột hạt nhân.
Trong chuyến thăm Vương quốc Anh trước khi tới Kyiv, Blinken cáo buộc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga và nói rằng chúng có thể được triển khai chống lại Ukraine trong vòng vài tuần.
Các tên lửa này có khả năng tăng cường kho vũ khí của Nga, cho phép nước này tấn công các thành phố của Ukraine gần biên giới hoặc các khu vực mà Nga kiểm soát đồng thời triển khai tên lửa tầm xa sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.
Iran đã nhiều lần phủ nhận việc cung cấp vũ khí dẫn đường như vậy cho Nga.
Riêng Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran vì cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để sử dụng ở Ukraine.
Các biện pháp bao gồm hạn chế khả năng bay đến Anh và châu Âu của hãng hàng không quốc gia Iran Air - cũng như cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với một số người Iran bị cáo buộc hỗ trợ quân sự cho Nga.