Ngoại trưởng Blinken: Mỹ tôn trọng quyền của Việt Nam trong định hình tương lai
Mở đầu cuộc gặp gỡ báo chí chiều nay (15/4), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ: 'Từ lâu tôi đã rất mong chờ được trở lại Việt Nam và thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới đây với tư cách là Ngoại trưởng'.
XEM CLIP:
Ông nhấn mạnh, một thập kỷ kể từ khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện và gần 28 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai bên đã xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả.
Vì lợi ích của người dân hai nước và toàn bộ khu vực
“Thay mặt Tổng thống Biden, tôi đến đây để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác đó, tiếp nối cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng trước cũng như các chuyến thăm cấp cao trước đó, bao gồm chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Austin, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, Tổng giám đốc USAID Samantha Power và các thành viên Quốc hội.
Trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi trong chuyến thăm này, tôi tập trung vào việc làm thế nào Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ thành công của Việt Nam, qua đó mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, người dân Mỹ và toàn bộ khu vực”, Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.
Ông cho biết, hai quốc gia đang hợp tác vì lợi ích chung vô cùng rộng lớn. “Bằng cách hỗ trợ các mong muốn của Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy mục tiêu của chính mình, từ tạo việc làm cho người dân, tăng cường sức mạnh của các doanh nghiệp Mỹ, đến đạt được thêm bước tiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta cũng như ngăn chặn các đại dịch”, ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định việc hai bên cùng thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình và có nền tảng là sự tôn trọng đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. “Tự do và rộng mở có hàm ý rằng các quốc gia được tự do lựa chọn con đường và đối tác của riêng mình… và rằng vấn đề sẽ được giải quyết một cách cởi mở, các quy tắc sẽ đạt được một cách minh bạch và áp dụng một cách công bằng. Hàng hóa, ý tưởng và con người sẽ tự do lưu thông trên đất liền, trên biển, trên trời và không gian mạng”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ.
Cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập
Ông Blinken cho biết, trong các cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, hai bên đã thảo luận về nỗ lực nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng trên diện rộng ở Việt Nam và trên toàn khu vực. Hai bên cũng nhấn mạnh sự tôn trọng lẫn nhau đối với vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ đối tác chặt chẽ thông qua các khuôn khổ kinh tế khu vực.
“Mỹ đang giúp Việt Nam thúc đẩy những cải cách quan trọng mà Việt Nam đã và đang áp dụng - bao gồm lao động, sở hữu trí tuệ và công bằng thương mại - những cải cách đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia kết nối, có thu nhập cao vào năm 2045 bằng cách theo đuổi tăng trưởng thúc đẩy tất cả các cộng đồng, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi đang khởi động các sáng kiến khí hậu song phương mới mà Phó Tổng thống Harris công bố trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021. Chúng tôi cũng đang khai thác sức mạnh của các khuôn khổ khu vực như Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng mà Việt Nam vừa tham gia – trong đó sẽ triển khai 15,5 tỷ USD để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050”, ông Blinken nói với báo giới.
Trước khi chuyển sang phần trả lời câu hỏi của báo chí, Ngoại trưởng Blinken khẳng định: “Mỹ cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Và chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của các bạn.
Mỹ cam kết thực hiện công việc đang diễn ra của chúng tôi để giải quyết các di sản của chiến tranh, kể cả khi chúng ta tập trung vào tương lai. Đây là vấn đề của sự tin tưởng, cam kết và trách nhiệm”.