Ngoại trưởng Đức thăm Iran: Có phải 'cơn gió mát' hạ nhiệt Trung Đông?

Chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từ ngày 7-11/6 được cho là để mở rộng ảnh hưởng và làm nổi bật vai trò trung gian hòa giải của Berlin ở khu vực. Thế nhưng, liệu ông Maas có là 'nhân vật then chốt' cho nhiệm vụ không hề dễ dàng này? Bình luận của Thế Giới & Việt Nam.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Iran Javad Zarif. (Nguồn: AFP)

Trọng tâm là Iran

Tuy là chặng dừng chân thứ 4, song Iran mới là “trọng tâm” của chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Heiko Maas. Đó cũng là lý do vì sao trước đó, khi tới Iraq, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Maas đều nhắc tới vấn đề Iran và nhấn mạnh việc các nước châu Âu mong muốn giữ vững thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) đã ký với Iran, cam kết thực hiện mọi điều khoản đã ký và hi vọng Iran cũng sẽ hành động tương tự bất chấp sức ép trừng phạt từ Mỹ.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức còn khẳng định, thỏa thuận hạt nhân Iran mà Đức là một bên tham gia là thỏa thuận “tốt nhất” giúp cho Trung Đông ổn định và hòa bình hơn. Không chỉ cho Trung Đông, ông Maas còn khẳng định sự quan trọng của JCPOA, nói rằng thỏa thuận hạt nhân này là “cực kỳ quan trọng” đối với an ninh của cả châu Âu. Ông cũng cho biết, Đức và các đối tác châu Âu khác “đang cố gắng hết sức để thực hiện cam kết của mình” nhằm giúp Iran đạt được những mong muốn và không để cho JCPOA đi vào dĩ vãng.

Đó là quan điểm của nước Đức, còn về phía Iran thì sao? Theo báo chí Iran, thì ngay sau buổi họp kín với người đồng cấp Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết, cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức diễn ra một cách thẳng thắn và nghiêm túc. Đồng thời, ông Javad Zarif cũng khẳng định Tehran sẽ hợp tác với các bên đã đặt bút ký vào Kế hoạch hành động toàn diện chung để cứu vãn thỏa thuận này khỏi sự đổ vỡ nhãn tiền.

Vậy là quan điểm của hai bên Đức và Iran đã rõ, ít nhất là tại cuộc hội đàm. Thế nhưng, trong bối cảnh Trung Đông đang có những diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran khi Tổng thống Trump tung chiến dịch “áp lực tối đa” lên Iran, thì những thiện ý của hai vị Ngoại trưởng dường như chỉ là những mong muốn từ một phía.

Bên cạnh đó, “sự kiên nhẫn chiến lược” của Iran cũng có giới hạn. Tehran đã thẳng thừng tuyên bố, kể từ ngày 7/7 năm nay sẽ không còn quan tâm đến các điều khoản của JCPOA và sẽ nối lại quá trình làm giàu uranium, trừ khi các quốc gia châu Âu có thể tìm ra một cách hiệu quả để khuyến khích Iran ở lại.

Điểm chung là không có điểm chung

Trong bối cảnh "không ai chịu ai" giữa Washington và Tehran như vậy, thì nhiệm vụ của ông Maas tới Trung Đông để làm "trung gian hòa giải" là không hề dễ dàng. Nhất là trong khi các nhà chức trách Iran muốn các cuộc đàm phán chỉ tập trung vào JCPOA, thì phía còn lại lại chỉ nhắm vào chương trình phát triển vũ khí và cáo buộc quốc gia Hồi giáo này hỗ trợ các nhóm người Shiite trên khắp Trung Đông. Và như vậy, nhiệm vụ của ông Maas lại "khó càng thêm khó" khi mối quan tâm của Washington và châu Âu lại chưa có điểm chung lớn như với Tehran.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Không những thế, trước đó, vào ngày 9/6, khi ông Maas đang ở UAE, ông đã gọi chương trình tên lửa của Iran là “đáng lo ngại”. Phát ngôn này của ông đã vấp phải phản đối gay gắt từ phía Iran. Người phát ngôn bộ ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi nói rằng: “Các quan chức châu Âu không có quyền bình luận về các vấn đề hạt nhân của Iran ngoài khuôn khổ của thỏa thuận JCPOA”. Các quan chức Iran đã nhiều lần lên án các nước châu Âu thiếu sự đồng thuận trong cách xử lý vấn đề với Tehran.

Thêm nữa, quan hệ Đức-Iran trong vài tháng qua cũng tiến triển không mấy tốt đẹp. Đức tỏ ra không bằng lòng với hoạt động phát triển vũ khí của Iran và vai trò của Tehran trong các vấn đề ở Yemen và Syria. Trong khi đó, Iran cũng không thực sự hài lòng sự thiếu quyết đoán của Đức khi không giúp Tehran khi nước này phải chịu sự trừng phạt từ Mỹ. INSTEX - một kênh thanh toán được Anh, Pháp và Đức thiết lập vào đầu năm 2019 để giúp Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ dù đã đi vào hoạt động nhưng đến bây giờ vẫn chưa có bất kì một giao dịch nào được thực hiện.

Trắng tay nhưng không thất bại

Bản thân Ngoại trưởng Heiko Maas cũng biết rằng EU có những hạn chế của mình trong vấn đề này và châu Âu sẽ khó có thể giúp đỡ Iran về mặt kinh tế nếu người Mỹ không tham gia vào.

Căng thẳng Mỹ-Iran sẽ khó mà hạ nhiệt. (Nguồn: News Nations)

Nói cho cùng, những gì ông Maas và Berlin hướng tới trong chuyến thăm này là thể hiện Đức thành viên duy nhất trong JCPOA ra mặt trực tiếp và có tiếng nói ủng hộ Iran, từ đó lôi kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán và giúp làm giảm căng thẳng đang ngày một gia tăng tại vùng Vịnh Ba Tư. Bởi Đức nhận ra rằng, nếu tất cả các thành viên của JCPOA không góp mặt đầy đủ trên bàn đàm phán, nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đức không có nhiều “đất diễn” trong vấn đề này, dù có nhiều nỗ lực ngoại giao hòa giải đến mấy, nếu bản thân Mỹ và Iran không tự mình đứng ra đàm phán, nhượng bộ nhau thì tình hình tại Trung Đông sẽ ngày càng một xấu đi. Bởi vậy, Ngoại trưởng Heiko Maas đến Iran mà không có "quân bài tẩy" trong tay khi khả năng ra về tay trắng cũng không phải là một câu chuyện quá khó hiểu.

Nhưng, những gì Berlin đã và đang thể hiện, nhất là chuyến đi tới "vùng chiến sự" của ông Maas là rất đáng khen ngợi. Nó không phải là một thất bại đối với ngoại giao Đức, vì bản thân họ cũng biết tiếng nói của mình là rất nhỏ, không thể xoay chuyển được tình hình. Nhưng không thể khoanh tay đứng nhìn, mà phải làm gì đó. Đó là kết quả lớn nhất cho chuyến công du đến "Vùng chiến sự" của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-duc-tham-iran-co-phai-con-gio-mat-ha-nhiet-trung-dong-95739.html