Ngoại trưởng Iran sang Syria trấn an đồng minh giữa tình hình căng như dây đàn
Quân đội Syria đang vội vã củng cố lực lượng ở vùng tây bắc và triển khai các cuộc không kích để cố gắng đầy lùi lực lượng nổi dậy khỏi Aleppo, thành phố lớn thứ hai của đất nước. Trong khi đó, Iran vừa tái khẳng định cam kết hỗ trợ Chính phủ Syria.
Iran trở thành đồng minh chính trị và quân sự chủ chốt của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm, nhưng chưa rõ lần này Tehran sẽ hỗ trợ Damascus như thế nào trong cuộc tấn công bất ngờ từ hôm 27/11.
Lực lượng nổi dậy đi đầu là nhóm thánh chiến Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã triển khai cuộc tấn công bất ngờ vào Aleppo và Idlib, trước khi di chuyển đến tỉnh Hama lân cận.
Ngày 1/12, quân Chính phủ Syria đã hình thành “phòng tuyến vững chắc” ở Hama, nhằm chặn đứng đà tiến của quân nổi dậy. Trong khi đó, đội máy bay liên tục không kích Iblib và Aleppo, khiến 25 người thiệt mạng, theo số liệu của một nhóm phòng vệ dân sự hoạt động ở khu vực do phe đối lập kiểm soát.
Giao tranh bùng phát làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng khắp khu vực, trong bối cảnh chiến sự ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn. Tình hình ở Syria có thể kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp, với mỗi bên có những tính toán và lợi ích khác nhau ở quốc gia này.
Lực lượng nổi dậy đưa ra tuyên bố về cuộc tấn công đúng vào thời điểm lệnh ngừng bắn giữa phong trào Hezbollah và Israel bắt đầu có hiệu lực.
Đây là đòn giáng mạnh vào Tổng thống Syria Assad, vào thời điểm các đồng minh Iran và Nga đang bận rộn với cuộc xung đột của riêng họ.
Theo thông cáo từ văn phòng tổng thống Syria, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi vừa đến Damascus và trấn an Tổng thống Assad, rằng Tehran sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch phản công của nước này.
Các nhà lãnh đạo Ả-rập, trong đó có Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, cũng đã điện đàm với Tổng thống Assad để bày tỏ đoàn kết.
Quân nổi dậy đã chiếm hầu hết Aleppo và giành được lợi thế ở tỉnh lân cận. Họ cũng đã chiếm trạm bơm nước chính của thành phố và trạm này không còn hoạt động nữa.
Đại tá Hassan Abdulghani, chỉ huy phiến quân, cho biết lực lượng này đã tiến vào vùng nông thôn xung quanh Idlib, kiểm soát toàn bộ tỉnh cùng tên. Họ cũng tuyên bố đã vào thành phố Hama, nhưng thông tin này chưa được xác minh độc lập.
Quân nổi dậy tuyên bố sẽ tiến vào tận Damascus, nhưng cuộc sống ở thủ đô của Syria vẫn bình thường, chưa thấy dấu hiệu hoảng loạn.
Tuy nhiên, ở phía đông nam Aleppo, tuyến đường chính ra khỏi thành phố đang tắc nghẽn khi nhiều người dân sơ tán để tránh bom đạn.
Theo kênh truyền hình Al Mayadeen, phiến quân cũng đã tiến vào Tel Rifaat, một thị trấn gần Aleppo nơi lực lượng người Kurd thân Mỹ kiểm soát.
Dù bất đồng với Chính phủ Syria, lực lượng của người Kurd phản đối cuộc nổi dậy và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn đẩy đuổi người Kurd khỏi khu vực của họ.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen cho rằng hành động của phiến quân đe dọa an ninh khu vực và kêu gọi nối lại các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt xung đột.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình. Hiện còn khoảng 900 binh lính Mỹ đóng ở vùng đông bắc Syria, cách xa nơi diễn ra cuộc tấn công.
Trận chiến Aleppo năm 2016 tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến giữa quân chính phủ Syria và phe nổi dậy kể từ khi nội chiến nổ ra năm 2011.
Vào thời điểm Tổng thống Assad có vẻ sắp mất quyền kiểm soát đất nước, trận chiến Aleppo giúp nhà lãnh đạo này giành lại những vùng chiến lược của đất nước, đẩy các nhóm đối lập ra vùng ngoại vi.