Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông: Chuyến đi 'xoa dịu' những bất đồng

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Đông lần này không chỉ nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine mà còn muốn gửi nhiều thông điệp đến chính phủ mới của Israel.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày ở khu vực Trung Đông. (Nguồn: Anadolu Agency)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày ở khu vực Trung Đông. (Nguồn: Anadolu Agency)

Ngày 29/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du Trung Đông để tìm giải pháp giảm bớt căng thẳng giữa Israel và Palestine sau khi bạo lực bùng phát. Sau điểm dừng chân đầu tiên tại Cairo (Ai Cập), ông Blinken sẽ tới Jerusalem và Ramallah vào ngày 30 và 31/1.

Trong một tuyên bố lên án vụ tấn công nhằm vào thánh đường Do Thái ở một khu định cư thuộc phía Đông Jerusalem ngày 27/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, ông Blinken sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nhà lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas để kêu gọi “thực hiện các bước rộng rãi nhằm giảm căng thẳng”.

Cũng theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, trả lời phỏng vấn ngày 29/1 với hãng tin Al Arabiya thuộc sở hữu của Saudi Arabia, ông Blinken tuyên bố “điều quan trọng nhất trong thời gian tới là các bên cố gắng giữ bình tĩnh”.

Vấn đề bạo lực cũng có thể được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa ông Blinken và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, người đóng vai trò truyền thống là nhà trung gian hòa giải ở Trung Đông, từ đó duy trì quan hệ đối tác với Mỹ.

Do có quan hệ thân thiết với Israel, Mỹ có lịch sử đi đầu trong chính sách ngoại giao ở Trung Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia đang nghi ngờ về khả năng ông Blinken có thể đạt được bất kỳ đột phá nào trong chuyến đi lần này.

Cựu quan chức Palestine Ghaith al-Omari, người đang làm việc tại Viện Washington, cho rằng, Ngoại trưởng Blinken sẽ nhắc lại các quan điểm truyền thống của Mỹ chứ không đưa ra đề xuất mới và "bản thân chuyến đi chính là thông điệp".

Chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nằm trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm nhanh chóng tiếp cận Thủ tướng Netanyahu, người mới trở lại giữ vai trò Thủ tướng Israel vào cuối tháng 12/2022.

Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel từng có quan hệ căng thẳng với cựu Tổng thống Barack Obama khi ông công khai ủng hộ các đối thủ của ông Obama thuộc đảng Cộng hòa nhằm phản đối chính sách ngoại giao của Mỹ với Iran.

Trong tháng này, ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden, đã đến Israel để thảo luận về tình hình Iran sau khi những nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - vốn không được Thủ tướng Netanyahu ủng hộ - đều thất bại.

Nhà đàm phán kỳ cựu Miller, đang làm việc tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy một loạt cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ-Israel dưới bất kỳ chính quyền nào như các bạn đang thấy lúc này”.

Cũng theo ông Miller, Washington đang tìm cách “tránh đối đầu với ông Netanyahu”, đồng thời lưu ý rằng, phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ hiện ủng hộ mạnh mẽ nhà lãnh đạo Israel.

David Makovsky, cũng làm việc tại Viện Washington, cho biết, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đang thăm khu vực này, đồng thời nhận định "có vẻ như các chuyến thăm đang diễn ra ồ ạt”.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong thời gian thăm Ai Cập, ông Blinken dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực như Libya và Sudan.

Theo hãng tin Al Arabiya, Ngoại trưởng Blinken nói rằng, các cuộc bầu cử ở Libya là “bước tiếp theo quan trọng nhất” đối với đất nước bị xung đột tàn phá.

(theo Reuters)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-cong-du-trung-dong-chuyen-di-xoa-diu-nhung-bat-dong-214936.html