Ngoại trưởng Mỹ gặp ai và thảo luận gì trong chuyến thăm Trung Âu
Từ ngày 11/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm các nước Trung Âu bao gồm Czech, Slovenia, Ba Lan và Áo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt đầu chuyến thăm một số nước Trung Âu. (Nguồn: Getty/TTXVN)
Từ ngày 11/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt đầu chuyến thăm các nước Trung Âu bao gồm Czech, Slovenia, Ba Lan và Áo. Ngày 11-12/8, tại Czech, ông Pompeo gặp Tổng thống Milos Zeman (được coi là có quan điểm thân Nga và Trung Quốc), Thủ tướng Andrej Babis, Bộ trưởng Ngoại giao Tomas Petricek; tham dự kỷ niệm 75 năm ngày Quân đội Mỹ giải phóng thành phố Bohemia.
Ngoại trưởng Mỹ dự kiến thăm Slovenia và Áo. Tại Áo, ông Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Sebastian Kurz, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg, Bộ trưởng Tài chính Gernot Bluemel và Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi. Kết thúc chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm Trận Warsaw, tổ chức tại Ba Lan.
Các vấn đề đáng chú ý dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Mỹ trao đổi trong chuyển thăm bao gồm: Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng ảnh hưởng, việc đồn trú của quân đội Mỹ tại một số nước châu Âu, vấn đề xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 và hợp tác về năng lượng hạt nhân.
Liên quan đến vấn đề Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực an ninh mạng và chính sách năng lượng, Mỹ cảnh báo việc cho phép các công ty Trung Quốc như Huawei tham dự vào việc xây dựng mạng lưới 5G có thể tạo ra nguy cơ đánh cắp dữ liệu phục vụ cho các hoạt động tình báo và phá hoại của Trung Quốc. Đây là vấn đề sẽ được Ngoại trưởng Mỹ tập trung trao đổi tại Slovenia do nước này dự kiến ký kết Tuyên bố chung với Trung Quốc về “an ninh 5G”.
Về việc đồn trú của quân đội Mỹ, Mỹ dự kiến rút 12.000 quân khỏi Đức. 1.000 binh sĩ trong số này sẽ được điều động tới Ba Lan. Báo die Presse nhận xét kế hoạch của Mỹ là động thái thể hiện thái độ cứng rắn trong quan hệ song phương với Đức. Việc Mỹ điều động quân đội tới đồn trú tại Ba Lan phù hợp với mong muốn của Chính phủ Ba Lan nhằm tạo đối trọng trong vấn đề an ninh với Nga. Động thái này nhiều khả năng sẽ vấp phải phản ứng từ Nga, nước vốn phê phán sự hiện diện của NATO ở Đông Âu.
Liên quan đến dự án xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc - 2, Mỹ muốn gây sức ép buộc các nước dừng dự án này vì cho rằng hệ thống đường ống dẫn khí sẽ giúp vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức, bỏ qua Ba Lan và Ukraine. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án. Áo là một trong những nước có đại diện là công ty có cổ phần nhà nước về dầu và gas OMV tham gia vào dự án.
Ngoài ra, tại Czech và Slovenia, Ngoại trưởng Mỹ thảo luận về vấn đề hợp tác năng lượng hạt nhân; đặc biệt là kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới tại hai nước này, bao gồm dự án nhà máy Krsko tại Slovenia vốn được xây dựng theo công nghệ Mỹ.
Tại Áo, hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề: Nhân quyền và những vấn đề chung mà hai bên cùng quan tâm, nhà nước pháp quyền, quan hệ kinh tế, thương mại song phương, vấn đề Tây Balkan, Israel, Venezuela, lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo và Bosnia-Herzegowina, và hệ quả của đại dịch Covid-19.
Mỹ và Áo giữ quan hệ tốt đẹp. Về quan hệ song phương, tuy Áo không phải là đối tác thân cận của Mỹ trong các vấn đề liên quan đến hoạt động NATO như Ba Lan, Czech và Slovenia nhưng theo Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề châu Âu Philip Reeker, hai nước vẫn duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Ngoại trưởng Áo Schallenberg đã dự kiến đến thăm Mỹ lần 2 vào tháng 3, và gặp gỡ Tổng thống Donald Trump, nhưng các hoạt động này đã bị hoãn lại do tác động của dịch Covid-19.