Ngoại trưởng Mỹ thăm Hàn Quốc: Trấn an đồng minh

Trong thời điểm chính trị nội bộ Hàn Quốc rối ren, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rất được chính quyền đương nhiệm tại Seoul trông đợi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Cho Tae-yul tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, ngày 6/1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Cho Tae-yul tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, ngày 6/1.

Trước thềm nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, chuyến đi này của Ngoại trưởng Blinken có thể xem là động thái cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy kết nối với đồng minh Hàn Quốc.

Chuyến thăm nhiều hàm ý

Gần một năm sau cuộc hội đàm song phương vào năm ngoái, ông Blinken và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul lại gặp nhau tại Seoul ngày 6/1/2025. Tuy nhiên, cuộc gặp lần này diễn ra trong bầu không khí hoàn toàn khác một năm trước. Lần này, đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chìm trong khủng hoảng chính trị chưa từng có trong lịch sử sau vụ việc thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 3/12/2024.

Nội dung thảo luận Mỹ-Hàn vừa qua tập trung vào các vấn đề quen thuộc như quan hệ đồng minh giữa hai nước, mối đe dọa Triều Tiên, hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn và các thách thức khu vực, toàn cầu khác. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm này không nằm ở chương trình nghị sự mà nằm ở chính việc ông Blinken đã đặt chân đến Hàn Quốc.

Chuyến thăm hai ngày đến Seoul nằm trong khuôn khổ chuyến công du ba nước của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp, kéo dài đến 9/1. Đây không chỉ là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ đến Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật rồi bị luận tội mà nhiều khả năng còn là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của chính quyền Biden sắp mãn nhiệm.

Đây cũng là dịp ông Blinken quay trở lại Hàn Quốc sau gần một năm dự Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ (S4D) lần thứ ba do Seoul đăng cai tổ chức. Vừa qua, ông Blinken và ông Cho đã có cuộc hội đàm đúng ngày lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol của Tòa án quận Tây Seoul hết hạn (6/1/2025). Nhiều khả năng đây không phải là trùng hợp bởi hai bên đã phối hợp chặt chẽ trước đó để thu xếp chuyến đi này.

Tiếp nối và củng cố

Đối với Mỹ, chuyến thăm này gửi thông điệp cho Hàn Quốc rằng Mỹ tiếp tục ủng hộ nền dân chủ của đồng minh bất chấp khủng hoảng chính trị đang diễn ra. Tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã cho biết hai nước sẽ “nêu công khai và trao đổi riêng” về việc củng cố “nền dân chủ mạnh mẽ và tự cường” của Hàn Quốc.

Sau hai cuộc điện đàm với người đồng cấp Cho Tae-yul (lần lượt vào các ngày 6 và 21/12/2024) với nội dung tái khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc giữa hai nước, ông Blinken thực hiện chuyến thăm này cũng nhằm chứng minh rằng lời nói và hành động của Mỹ là nhất quán cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Động thái này cũng là một cách để chính quyền Biden “tri ân” sự phối hợp chặt chẽ của phía Hàn Quốc với Mỹ trong những năm qua với tư cách là hai nền dân chủ hàng đầu của thế giới.

Hơn nữa, chuyến công du này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng nhằm nêu bật các di sản đối ngoại của Tổng thống Biden vào những ngày cuối cùng tại nhiệm. Sau khi rời Seoul, Ngoại trưởng Blinken tiếp tục thăm Tokyo nhằm rà soát tiến triển đạt được trong thời gian qua trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật cũng như sự phối hợp cùng giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu giữa hai quốc gia.

Với việc ông Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 tới đây, chuyến thăm đến Seoul và Tokyo của ông Blinken có thể được xem là một nỗ lực nhằm nhấn mạnh những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Tổng thống duy nhất của Biden, trong đó có củng cố hợp tác giữa Mỹ và các nước đồng minh, đối tác chủ chốt trong khu vực cũng như tăng cường đoàn kết giữa các nước dân chủ. Với chuyến thăm này của Ngoại trưởng Blinken, ông Biden đang thúc đẩy sự tiếp nối chính sách của Mỹ đối với các nước đối tác thân thiết, cùng chí hướng ngay trước thềm chính quyền mới lên nắm quyền.

Vận động ủng hộ và cải thiện hình ảnh

Đối với Hàn Quốc, chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken diễn ra vào thời điểm Seoul đang rất cần. Việc quan chức cấp cao của hai nước gặp nhau đúng ngày hết hạn lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể là chiến thuật để kêu gọi các cử tri ủng hộ cho ông Yoon tại Hàn Quốc.

Trong bối cảnh Đảng Dân chủ (đảng đối lập chính) đang kiểm soát Quốc hội, tỷ lệ tín nhiệm thấp kỷ lục của Tổng thống Yoon, sự ủng hộ suy giảm của chính Đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP) cầm quyền đối với ông Yoon, vấn đề duy nhất mà chính quyền Yoon có thể thúc đẩy để nhận được sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc là vai trò răn đe của Mỹ, đồng minh Mỹ-Hàn, hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn đối với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken gửi thông điệp tới Seoul rằng Washington tiếp tục ủng hộ đồng minh bất chấp khủng hoảng chính trị đang diễn ra.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken gửi thông điệp tới Seoul rằng Washington tiếp tục ủng hộ đồng minh bất chấp khủng hoảng chính trị đang diễn ra.

Việc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm này là dịp tốt để chính quyền đương nhiệm tại Hàn Quốc tái khẳng định cam kết của nước này đối với vấn đề trên. Trên thực tế, những người ủng hộ ông Yoon đã dùng đúng luận điểm này khi biểu tình ở ngoài dinh thự của Tổng thống nhằm ngăn lực lượng điều tra thực thi lệnh bắt Tổng thống trong những ngày qua. Ngoài ra, thông qua chuyến thăm này, chính quyền Yoon cũng đang thể hiện rằng Hàn Quốc vẫn duy trì được quan hệ đối ngoại ổn định, nhất là với các đối tác quan trọng nhất; đồng thời cũng nhằm cải thiện hình ảnh quốc tế của Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Sau vụ ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol, một vài hoạt động ngoại giao và an ninh song phương Mỹ-Hàn đã bị đình trệ, tiêu biểu có việc hoãn buổi trao đổi của Nhóm Tham vấn Hạt nhân – một cơ chế hợp tác răn đe hạt nhân quan trọng giữa hai nước. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của ông Blinken trở thành biểu hiện nối lại của các hoạt động giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Một số nguồn tin cũng tiết lộ Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya sẽ thăm Seoul (nhiều khả năng vào ngày 13/1/2025); ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc thảo luận để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Ba bên Trung-Nhật-Hàn do Nhật Bản đăng cai tổ chức trong năm nay. Các nỗ lực ngoại giao nói trên được tiến hành nhằm giảm bớt các nghi ngại về triển vọng của hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn và đà cải thiện hiện nay trong quan hệ giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn.

Trong tương lai gần, chiều hướng vận động, phát triển của quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn sẽ phụ thuộc vào các nhân tố như chính quyền Tổng thống Trump 2.0, khả năng thay đổi sang chính quyền mới (thuộc phe dân chủ) tại Hàn Quốc, và vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Nhà Trắng, ông Donald Trump đã phối hợp tốt với một Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ của Hàn Quốc (lúc bấy giờ là ông Moon Jae-in), giúp tạo điều kiện thuận lợi diễn ra các cuộc đối thoại Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa.

Kịch bản đó có thể lặp lại nhưng sẽ không xảy ra trong tương lai gần do ông Trump đang ưu tiên các vấn đề khác hơn (như cạnh tranh thương mại với Trung Quốc hay chấm dứt xung đột Ukraine), và tương lai của ông Yoon Suk Yeol vẫn còn chưa rõ ràng mặc dù phe đối lập tại Hàn Quốc đang chiếm ưu thế.

* Nghiên cứu sinh quan hệ quốc tế, Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao

Lê Như Mai*

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-tham-han-quoc-tran-an-dong-minh-300077.html