Ngoại trưởng Mỹ tố Trung Quốc 'hứa suông' với châu Phi về viện trợ COVID-19
Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ trích chính sách kinh tế của Trung Quốc đối với các quốc gia châu Phi trong thời điểm dịch COVID-19 đang tạo ra các 'bẫy nợ'.
“Không có gì là bí mật, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất đối với các chính phủ châu Phi, tạo ra bẫy nợ đối với các nước này”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 24/6.
“Ngược lại, hầu hết các hỗ trợ nước ngoài của Mỹ đều ở dạng tài trợ thay vì cho vay. Mục đích là hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế minh bạch, dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân, mang lại lợi ích cho tất cả các bên”, ông Pompeo cho hay.
Bên cạnh đó, ông Pompeo gọi thông báo cứu trợ của Trung Quốc là “lời hứa trống rỗng và vô vị”, nhấn mạnh Bắc Kinh nên thực hiện đầy đủ sáng kiến của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về việc hoãn nợ, nhằm giúp các nước nghèo chống dịch COVID-19 (DSSI), đảm bảo viện trợ chống dịch minh bạch.
DSSI là diễn đàn tài chính quốc tế của các chính phủ, phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), được tạo ra bởi G-20, nhằm cung cấp viện trợ tài chính cho các quốc gia trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo sáng kiến DSSI, G20 đã quyết định hoãn trả nợ 14 tỉ USD cho 77 quốc gia nghèo, đang phát triển và đang vật lộn với dịch bệnh, đến cuối năm 2020.
“Trung Quốc cần phải vứt bỏ những tuyên bố công khai, nặng về lý thuyết và bắt đầu thực hiện đầy đủ, minh bạch theo các cam kết sáng kiến DSSI của mình”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc và hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, bằng cách cung cấp các khoản vay không lãi và kéo dài thời gian đình chỉ nợ đối với một số quốc gia châu Phi .
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết Bắc Kinh tham gia mạnh mẽ sáng kiến về việc hoãn nợ, nhằm giúp các nước nghèo chống dịch COVID-19 do G20 khởi xướng, đồng thời khuyến khích các tổ chức tài chính tiến hành tham vấn, hỗ trợ với các nước châu Phi theo nguyên tắc thị trường, thực hiện các thỏa thuận cho vay thương mại với bảo lãnh có chủ quyền.
Tháng trước, phát biểu tại Hội đồng Y tế Thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 2 năm tới để hỗ trợ những nước đang phát triển.
Ông Tập đồng thời đề cập rằng Trung Quốc đã hỗ trợ điều trị y tế cho 200 triệu người dân châu Phi trong 7 thập niên qua.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng liên quan đến một loạt các vấn đề trong thời điểm diễn ra COVID-19 như nguồn gốc dịch bệnh, vấn đề cạnh tranh thương mại, Trung Quốc áp luật an ninh đối với Hong Kong và các vấn đề an ninh quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.