Ngoài Ukraine, Tập đoàn quân sự Wagner còn tham chiến ở đâu?
Bắt đầu hoạt động từ năm 2014, nhưng phải tới khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, tập đoàn quân sự Wagner mới trở nên nổi tiếng.
Theo thông tin được tờ News York Times đăng tải, tập đoàn quân sự Wagner bắt đầu hoạt động từ năm 2014 và người đứng đầu là Yevgeny Prigozhin - một doanh nhân người Nga.
Bắt đầu trở nên nổi tiếng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ hồi năm 2022, nhưng thực tế, cái tên Wagner đã thu hút nhiều sự chú ý của báo giới kể từ năm 2014. Đây chính là lực lượng tham gia tràn ngầm bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Cũng trong thời gian này, lực lượng đánh thuê Wagner đã tham chiến ủng hộ lực lượng thân Nga ở khu vực Luhansk thuộc Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng.
Mặc dù vậy, kể từ năm 2014 cho tới khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ ở quy mô lớn, lực lượng lính đánh thuê Wagner đã tham chiến ở nhiều cuộc xung đột. Dù ở quy mô khác nhau, nhưng sự can thiệp của Wagner đã được chứng minh ở nhiều quốc gia.
Địa bàn hoạt động của Wagner
Theo NYT, cuộc can dự dài hơi và quy mô lớn nhất của Wagner là ở Syria. Lực lượng đánh thuê Wagner bắt đầu hiện diện ở Syria từ tháng 10/2015 - chỉ một tháng kể từ khi Nga tuyên bố sẽ can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở quốc gia này.
Tại Syria, lực lượng Wagner tích cực tham gia vào các chiến dịch quy mô lớn ở Palmyra vào năm 2016 và 2017. Wagner chiến đấu sát cánh bên cạnh Lục quân Syria trong Chiến dịch Giải phóng miền Trung Syria vào mùa hè năm 2017, trận giải phóng Deir ez-Zor diễn ra hồi cuối 2017.
Các chuyên gia và sĩ quan của Wagner còn đóng vai trò cố vấn tiền tuyến và điều phối xạ kích không quân, yểm trợ cho lực lượng liên quân Syria và Wagner trong cuộc xung đột với các nhóm khủng bố IS.
Ngoài ra, binh lính Wagner còn tham gia huấn luyện một đơn vị tinh nhuệ cho lực lượng Syria có tên "Thợ săn ISIS" - lực lượng được thành lập chuyên để truy quét và tiêu diệt các nhóm khủng bố IS - vốn hoành hành ở Syria giai đoạn những năm 2015 - 2019.
Tính đến cuối tháng 12/2021, Wagner vẫn hiện diện và tham chiến chống lại các phần tử khủng bố IS ở khu vực sa mạc Syria.
Ngoài Syria, Wagner còn tham gia vào nhiều cuộc xung đột khác ở châu Phi, tuy nhiên sự can dự là không quá sâu với quy mô không lớn, chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ cố vấn quân sự. Một vài cuộc xung đột nổi bật ở châu Phi có sự tham gia của Wagner bao gồm Nội chiến Sudan và Nội chiến ở Cộng hòa Trung Phi.
Quy mô của lính đánh thuê Wagner
Tờ Telegraph của Anh trích dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết, lực lượng Wagner đã tăng nhanh chóng chỉ trong vài năm thành lập. Khi trực tiếp can thiệp vào cục khủng hoảng ở Crimea, Wagner được cho là chỉ có 250 quân nhân và sĩ quan chỉ huy, nhưng tới năm 2017, con số này đã lên tới 6.000 lính.
Thành phần của lính đánh thuê Wagner bao gồm những cựu binh đã giải ngũ từ quân đội Nga hoặc quân đội những quốc gia thuộc Liên Xô cũ hiện tại vẫn có xu thướng thân Nga. Trong giai đoạn xung đột Nga - Ukraine căng thẳng, nhu cầu về quân số khiến Wagner phải trực tiếp tuyển quân từ những nhà tù ở Nga, nhưng Wagner không nhận tội phạm phạm tội hình sự.
Theo tờ Defence One, tính tới tháng 12/2022, nhiều nguồn tình báo của Mỹ xác nhận quân số của Wagner đã lên tới trên 50.000 lính. Phần lớn trong số này tham chiến ở Ukraine.
Trang bị vũ khí của Wagner
Lực lượng đánh thuê Wagner được trang bị vũ khí tương đương với Lục quân Nga. Ngoài trừ các loại trực thăng vũ trang và máy bay vận tải, gần như Lục quân Nga sở hữu vũ khí gì - thì Wagner có vũ khí đó.
Trong cuộc binh biến do lực lượng Wagner tổ chức hồi cuối tuần vừa rồi, người ta có thể thấy sự tham gia của các loại xe tăng T-90 hiện đại bậc nhất trong biên chế của lực lượng Wagner.
Mặc dù không được trang bị máy bay, nhưng Wagner lại được trang bị một lượng lớn vũ khí phòng không hiện đại của Nga, đủ để lực lượng này có khả năng tác chiến phòng không độc lập mà không cần tới sự yểm trợ của lực lượng chính quy Nga.
Một điểm đặc biệt đó là lực lượng Wagner không phải lính chính quy, không phải tuân theo các quy tắc chỉ huy thông thường của quân đội. Điều này giúp lính đánh thuê Wagner tác chiến hiệu quả hơn trên chiến trường so với quân đội chính quy Nga - nhất là trong những trận đánh mà tình hình thực tế bị thay đổi liên tục.
Binh lính Wagner cũng có thu nhập rất cao - tối đa có thể lên tới 9000 USD/tháng. Điều này cũng giúp chính người lính Wagner có thể mua nhiều loại vũ khí, khí tài hỗ trợ tác chiến ngay trên thị trường chợ đen. Việc sử dụng các loại vũ khí ngoài biên chế thường bị hạn chế tối đa với những đội quân chính quy, nhưng với Wagner, người lính có thể tự trang bị mọi thứ, miễn là họ tác chiến tốt.