'Ngọc lửa kỳ bí' và bàu nước sôi ở Tam Bình
Nhiều năm nay, người dân ở xã Hòa Hiệp và Hòa Thạnh của huyện Tam Bình, Vĩnh Long đổ xô khoan giếng lấy khí gas xài. Gần đó còn có bàu nước tồn tại trăm năm cứ sôi ùng ục suốt ngày đêm.
Những chuyện hết sức lạ lùng này lúc nào cũng được người dân đem ra bàn tán, đã thu hút rất đông người dân từ các tỉnh đến tìm hiểu.
Khí gas "trời cho" xài mãi không cạn
Hơn chục năm nay, nhiều người dân ở xã Hòa Hiệp, Hòa Thạnh đua nhau khoan giếng để khai thác khí đốt, sử dụng cho sinh hoạt trong gia đình.
Là một trong hàng trăm gia đình sử dụng gas trời cho đầu tiên ở xứ này, ông Năm Lợi (63 tuổi, ngụ ấp Hòa Phong, xã Hòa Hiệp) kể, cách nay hơn 10 năm, gia đình bỏ ra 1,2 triệu đồng thuê thợ đến khoan giếng ngầm để dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Khi khoan đến độ sâu khoảng 70m nước cũng trào lên nhưng kèm theo bọt lạ. Múc lên thử thấy nước chua và lượng khí bốc lên ngày một nhiều khiến người dân một phen hú vía khi quẹt thử bốc cháy, có màu xanh.
Lúc đó, người dân đồn đại là vùng đất kỳ bí, linh thiêng có khả năng bốc cháy. Tuy nhiên vợ chồng Lợi dò hỏi biết đó là khí gas, có thể dùng để nấu nướng, nên liền chạy lên chợ mua ống nhựa về thiết kế đưa vào phục vụ quán nhậu.
“Tôi thiết kế đường ống cho vào trong nhà, rồi dẫn vào bọc ny-lon loại lớn để tích trữ nguồn khí gas lại. Sau đó một đường ống khác được đấu nối giữa túi ny-lon với bếp gas. Tôi cũng gắn van khóa mở tự động, khi lượng gas quá tải ở túi thì tự động được đẩy ra ngoài” – ông Năm Lợi nói về nguyên lý hoạt động và các bộ phận của hệ thống gas.
Vậy là gia đình ông Lợi có được nguồn khí gas trời cho miễn phí, tiết kiệm số lên đến cả triệu đồng mỗi tháng. Cách nay khoảng 2 năm do không có người quản lý nên quán nhậu đành đóng cửa, khiến cho ống dẫn khí gas bị đất lấp lại.
Thấy vợ chồng ông Năm Lợi xài ngon lành, nên những hộ xung quanh cũng bắt đầu khoan giếng để dẫn khí gas vào trong bếp nhà mình. Mặc dù họ sử dụng liên tục nhưng đến nay nguồn khí đốt thiên nhiên vẫn chưa cạn.
Ông Huỳnh Văn Thảo – Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho biết: “Thấy đứa em khoan trước có gas bật cháy quá trời nên vợ chồng khoái quá kêu thợ đến làm. Sau một tuần khoan không có gas vợ chồng tính đâu tiêu rồi, ai ngờ xuất hiện hơn 10 ngày sau đó. Nguồn khí gas này không phải là vô tận nhưng cũng đủ cho gia tôi nấu cháo và bán quán cơm hàng ngày”.
Vợ ông Thảo là bà Nguyễn Thị Thủy tiếp lời: “Nguyên dãy nhà cặp Quốc lộ 53 này đều sử dụng gas trời cho. Người ta xài lâu rồi còn gia đình chỉ mới 3 năm nay. Lý do chậm trễ là sợ khoan không có gas sẽ lãng phí tiền, bởi hồi trước không có giao trả trước 50%, sau khi khoan mà có gas sẽ trả 50% còn lại. Đối với bây giờ nếu khoan mà có gas mới trả tiền, còn không có nhóm công nhân làm không công”.
Theo lời ông Thảo, để sử dụng được nguồn khí gas phải là bếp của biogas chứ loại bếp gas công nghiệp sẽ bị hư liên tục. “Có người khoan rồi vài năm sau mới có. Gas này tuy là miễn phí nhưng không ổn định, nhiều lúc ngắt ngang. Do vậy phải để phục vụ cho quán cháo và cơm phải trang bị thêm bình gas công nghiệp” – bà Thủy nói.
Dẫn chúng tôi ra nơi có nguồn khí, nghi nhận dòng khí vọt lên, sủi bọt ùng ục. Ông Thảo nói: “Tính ra 3 năm nay xài gas này mà gia đình đỡ tốn trên chục triệu đồng”. Việc người dân xài gas thiên nhiên không chỉ có ở xã Hòa Hiệp mà còn diễn ra ở nhiều ấp của xã Hòa Thạnh. Theo thống kê, địa phương này có hơn 100 hộ gia đình được xài gas miễn phí.
Việc xài khí gas thiên nhiên này cũng tiềm ẩn những nguy hiểm, cháy nổ. Nếu không có sự hướng dẫn cẩn thận của cơ quan chức năng hay các phương tiện an toàn thì không nên sử dụng, tích trữ để tránh nguy hiểm.
Bốn đời gìn giữ bàu nước sôi
Tại ấp Thạnh An, xã Hòa Thạnh có bàu nước bốc khí sôi ùng ục hàng trăm năm qua. Bàu này nằm trong khu vườn trồng cây ăn trái của gia đình bà Lê Thúy Nghĩa. Bà Nghĩa cho biết: “Mẹ tôi kể rằng từ thời ông cố tổ đến đây lập nghiệp đã thấy có bàu nước này rồi.
Nhìn hồ nước nhỏ sôi bọt nên người lạ ít ai dám đến gần. Tuy nhiên thực tế nước trong hồ không hề nóng, nhiệt độ bình thường và mát mẻ như nước trong các khu vực gần đó. Do vậy nhiều cá sinh sống và phát triển bình thường. Trước đây cách bàu này 500m cũng có 1 cái tương tự nhưng do bị người chủ san lấp đất nên hiện không còn thấy nữa”.
Theo quan sát, bàu nước sôi có diện tích khoảng 20m2, chính giữa nước sôi ùng ục như đang đun nước, không hề nóng, càng có người đến càng sôi mạnh. Có người bạo gan lấy lửa mồi trên miệng ao thì bất ngờ một ngọn lửa xanh lè xuất hiện. Dưới hồ các loài cá bơi lội bình thường. Đã từng lội xuống trải nghiệm nên người dân cho biết nước trong ao âm ấm.
Nhiều người cho rằng bàu nước này có linh tính, biết nghe bước chân người. Nếu đến đông người, đi nhanh và nói chuyện lớn tiếng quanh hồ, lập tức những bóng nước sẽ sôi mạnh lên mà không thể nào lý giải. Chính vì điều kì lạ này nên nhiều người hiếu kỳ tại các tỉnh, thành lân cận, thậm chí miền Bắc đã đến tận nơi xem.
Để bảo vệ nơi này, gia đình bà Nghĩa đã trồng cây kiểng và xây gạch bao bọc xung quanh cũng như thường xuyên dọn rác, nạo vét bùn dưới đáy ao.
Nữ chủ nhân của ao nước sôi còn cho biết thêm: “Ao nước này trước đây lớn lắm nhưng do bồi lấp nên còn nhỏ như vậy. Chính giữa có lỗ bằng cái chén nhưng sâu lắm, xung quanh có những lỗ nhỏ hơn thoát khí tạo ra hiện tượng sôi ùng ục suốt ngày đêm. Khi nước cạn, hơi vẫn trào lên làm mặt bùn non cứ ành ạch giống như cá bị mắc cạn, giãy chết.
Trước đây có người tò mò muốn biết lỗ khí này sâu đến đâu nên liền chạy về nhà chặt cây tre dài róc sạch cành, luồn xuống thử nhưng ngập tới đọt cũng chẳng hề hấn gì” .
Được biết, trước đây có nhiều đoàn khoa học xuống nghiên cứu bàu nước sôi này và xác định đó là khí mê tan (CH4) tích tụ lâu ngày dưới lòng đất nên bốc lên. Nguyên nhân vùng đất này ngày xưa trũng, có nhiều cây thực vật bị chôn vùi lâu ngày tích tụ lại sinh ra khí.