Ngọc Sơn - ngôi đền cổ giữa lòng Hà Nội

Đã từ lâu, đối với người dân Việt Nam khi nói đến hồ Gươm là lại nhớ đến tháp Rùa, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Đây không chỉ là những điểm đến hấp dẫn gắn liền với văn hóa và lịch sử của người Hà Nội mà còn là nơi tham quan và thư giãn lý tưởng.

Xưa kia, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, ông đã đặt tên ngôi đền là Ngọc Tượng. Đến thời nhà Trần, ngôi đền có tên là Ngọc Sơn. Đền thờ này được xây dựng để thờ những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Do lâu ngày không tu sửa nên ngôi đền sớm sụp đổ.

Đến thời nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh trên nền đất đền Ngọc Sơn cũ. Cuối đời nhà Lê, cung Thụy Khánh bị phá hủy. Ông Tín Trai - một nhà từ thiện thời đó đã dùng nền cung Thụy Khánh cũ, lập ra một ngôi chùa mới, lấy tên là chùa Ngọc Sơn.

Chùa được xây quay mặt về hướng Nam, phía trước dựng một gác chuông, phong cảnh nên thơ hữu tình nên được nhiều người lui tới. Trải qua nhiều năm tháng, ngôi chùa bị đổ nát. Ít năm sau, con trai của ông Tín Trai nhượng lại chùa cho một hội từ thiện. Hội tiến hành tu sửa, dỡ bỏ gác chuông chùa, cải tạo chùa thành đền thờ Văn Xương Đế Quân.

Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại ngôi đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh. Ông còn cho xây thêm đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ Đông đi vào đền, gọi là cầu Thê Húc. Bên trái của đền ông cho dựng Đài Nghiên. Phía Đông trên núi Ngọc Bội ông cho xây Tháp Bút, tượng trưng cho nền văn vật.

Sau khi đền được xây dựng hoàn thành, trong đền thờ thêm Lã Tổ là thần coi về thuốc chữa bệnh và thờ Trần Hưng Đạo, một vị tướng có công với nhân dân vào đời Trần. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhưng ngày nay, đền Ngọc Sơn vẫn lộng lẫy, uy nghi giữa lòng Thủ đô. Đền Ngọc Sơn không chỉ là niềm tự hào của người Hà Nội mà còn là một địa chỉ du lịch nổi tiếng, thu hút du khách.

Đền Ngọc Sơn được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam. Trong đền có các câu đối, hoành phi và vật bài trí linh thiêng. Kiến trúc đền Ngọc Sơn thể hiện rõ nét sự hòa hợp về tôn giáo qua nhiều năm tháng lịch sử. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác kiến trúc này khi ghé thăm đền Ngọc Sơn. Đền chính là hai ngôi nối liền nhau, bên trong thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Văn Xương Đế Quân. Ngoài ra, trong đền còn thờ Phật A di đà, Quan Vân Trường. Lối thờ phụng này thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp tôn giáo của người Việt Nam.

Mái đình của đền Ngọc Sơn hình vuông, có tam mái, mái hai tầng có tám cột chống đỡ. Hệ thống bốn cột ngoài của đền được làm bằng đá và bốn cột trong bằng gỗ. Sự kết hợp độc đáo này đã tăng thêm vẻ đẹp tôn nghiêm nhưng không kém sức hút cho đền Ngọc Sơn.

Vào mỗi mùa thi cử, học sinh ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thường tìm đến đền Ngọc Sơn để cầu nguyện có một mùa thi tốt. Du khách gần xa khi ghé thăm Hà Nội cũng thường tìm đến đền Ngọc Sơn, trước là để tham quan ngắm cảnh sau là thắp hương tưởng nhớ các đức thánh nhân.

Đến thăm đền Ngọc Sơn, bạn sẽ cảm nhận được không khí yên bình, tĩnh lặng giữa thành phố ồn ào, tấp nập. Ngôi đền này không chỉ là điểm tâm linh để người dân thành phố và du khách dâng hương cầu mong bình an và sức khỏe mà còn là nơi để thư giãn tâm hồn, để cảm nhận cuộc sống và để lưu lại những bức ảnh đẹp ở mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nguyệt Quế

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ngoc-son-ngoi-den-co-giua-long-ha-noi-280517.htm