Ảnh vệ tinh thương mại do công ty Planet Labs công bố hôm 10/8 và được trang tin quân sự Mỹ War Zone phân tích cho thấy hậu quả của loạt vụ nổ lớn tại sân bay quân sự Saki, gần Novofyodorovka trên bán đảo Crimea, trước đó một ngày.
Phần lớn thiệt hại tập trung ở khu vực phía tây nam căn cứ, nơi có sân đỗ và các ụ đất bảo vệ máy bay, trong khi cơ sở hạ tầng chủ chốt của sân bay không chịu ảnh hưởng.
"Khi so sánh với hình ảnh trước vụ nổ, có vẻ ba cường kích Su-24M và một tiêm kích hạng nặng Su-30SM đã bị phá hủy ở sân đỗ chính. Hàng loạt công trình lân cận cũng chịu thiệt hại với nhiều mức độ", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick cho hay.
Nhiều phi cơ dường như đã được Nga sơ tán khỏi bãi đỗ và đưa tới những vị trí riêng rẽ, cách xa nhau ở sân bay. Trong số này có máy bay Tu-134UBL biệt danh "ngọc trai đen".
Tu-134UBL, loại máy bay chuyên dành để huấn luyện cho phi công điều khiển oanh tạc cơ tầm xa của Nga Tu-160 và Tu-22M3 đã được Nga đưa trở lại sau thời gian dài ngừng bay.
Được biết chuyến bay đầu tiên của mẫu máy bay Tu-134UBL sau khi nâng cấp đã diễn ra vào tháng 03/2019.
Việc Nga tái trang bị Tu-134UBL cho thấy tham vọng của nước này nhằm đưa vào hoạt động nhiều phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Được biết Tu-134UBL là phi cơ được quân đội Nga phát triển từ máy bay chở khách Tu-134 từ thập niên 1990 nhằm phục vụ huấn luyện phi công và hoa tiêu các dòng oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 và Tu-22M3.
Được mệnh danh là "Ngọc trai đen", Tu-134UBL sở hữu màu sơn đen đặc trưng.
Máy bay có phần mũi nhọn giống nhiều máy bay ném bom khác của Nga, được lắp thêm các hệ thống radar và nhiều thiết bị khác.
Phần khoang máy bay có 12 chỗ ngồi dành cho các học viên phi công.
Liên Xô đã sản xuất tổng cộng 90 chiếc Tu-134UBL từ năm 1981-1984.
Nhưng dòng máy bay này bị quân đội Nga ngừng sử dụng cho mục đích huấn luyện từ năm 2011 sau một tai nạn gần thành phố Petrozavodsk.
Không quân Nga hiện còn trong biên chế 17 chiếc Tu-134UBL dùng cho hoạt động huấn luyện đào tạo bay cho phi công.
Kích thước của Tu-134UBL không khác nhiều so với mẫu chở khách thông thường với chiều dài khoảng 37m, cao hơn 9m, sải cánh 29m, trọng lượng rỗng 27,9 tấn.
Tu-134UBL trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Soloviev D-30-II cung cấp lực đẩy 66,68kN/chiếc.
Máy bay đạt tốc độ tối đa 950km/h, tầm bay 1.900-3.000km, trần bay hơn 12.000m.
Đây là một trong số ít loại máy bay huấn luyện có kích thước lớn nhất thế giới.
Việt Hùng