Ngôi chợ bảy mái vòm diên vĩ

Theo ngôn ngữ Ba Tư, 'Bazaar' nghĩa là chợ và 'Chorsu' là ngã tư. Chorsu Bazaar ở thủ đô Tashkent - Uzbekistan được đại đế Cyrus khai sinh để trở thành ngã tư thương mại với nhánh từ Tân Cương đổ đến, Nam Á hướng lên, Đông Âu tìm đến và lối rẽ sang Hy Lạp. Sau trận động đất năm 1966, các kiến trúc sư cùng ngồi lại, chung góp ý tưởng để giữ lại linh hồn cho chợ trung tâm. Tôi rất thích ngắm nhìn các mái vòm Chorsu Bazaar bởi nó ôm trọn những nét văn hóa tinh hoa từ thuở những hạt cát còn bơ vơ trong gió hoang...

Người Uzbek cứ gọi cây ngô đồng phủ xanh qua những nẻo đường phố là “cây chinor”. Tôi cũng chẳng biết có gợi lại ký ức sứ giả Trung Hoa Trương Kiện từng đến Tashkent, đề nghị mở ra những cung đường giao thương mặt hàng lụa bằng ngựa. Chuyến đi ấy, Hán Vũ Đế luôn mơ ước ông Trương Kiện sẽ mang về vài đôi ngựa hãn huyết, một đặc sản của vương quốc Đại Uyển.

Vào thế kỷ VII, sư Huyền Trang ghé qua, ghi chú “Tashkent” nghĩa là “Thạch Giả Thị”. Rời quảng trường Khast Imam, tôi lang thang đến Chorsu Bazaar vốn là biểu tượng của khu phố cũ. Tôi chọn cầu vượt gần nhất bước lên, để từ độ cao đó có thể ngắm nhìn kiến trúc tổng thể và các mái vòm màu xanh phủ nhấp nhô lên ngôi chợ truyền thống.

Có một đô thị đã cũ

Xuyên qua nhà lồng chợ, vẫn như khi đến các ngôi chợ khác ở Uzbekistan, tôi hít hà hương thơm gia vị, cây trái mùa hè, mứt khô… trò chuyện vài câu và chụp ảnh lưu niệm với những người bán hàng dễ mến. Tôi mua một ít quả sung Mỹ bổ sung đường tự nhiên cho cơ thể, mua gói kim chi dành cho bữa tối và vỗ về đôi chân bằng bốn que kebab thơm cho cữ trưa.

Mái vòm trung tâm Chorsu Bazaar.

Mái vòm trung tâm Chorsu Bazaar.

Tôi băng qua con đường lớn đi vào khu phố cổ có từ thế kỷ XVI nằm đối diện chợ Chorsu. “Daha” là cách gọi của người du mục Turkic khi nói về “khu phố”, trong khi ông trưởng phố được gọi là “Hakim”. Bước qua những dãy nhà thấp tè đã rong rêu thời gian, con đường ngoằn ngoèo mờ sương cát, tôi chợt bật cười khi nhớ lời trêu đùa của cô tiếp tân nhà nghỉ. Cô bảo rằng nên ghi lại số điện thoại, để khi bị các ngõ nhỏ chằng chịt làm lạc lối, cô sẽ đến giúp tôi tìm lối ra.

Quay trở lại chợ Đại rộng lớn, tôi thật sự “đuối” khi đôi chân đã quá rã rời. Tôi đành chọn giải pháp khám phá bằng những gì từ người đi trước vào thế kỷ XVI-XVIII đã ghi lại. Chorsu Bazaar được bao bọc bằng dãy tường thành rộng lớn có 12 cổng ra vào.

Đại đế Cyrus của người Ba Tư nghĩ rằng quả địa cầu có hình chữ nhật, nên Chorsu Bazaar cũng được thiết kế theo hình dáng như thế. Với ý nghĩa “Ngã tư đường”, mà ngày nay người địa phương thích gọi là “bốn dòng nước sự sống”, xung quanh Chorsu Bazaar được bố trí bốn thành thị Daha về mỗi góc.

Cũng ở mỗi góc, sẽ là ngôi chợ nhỏ với mái vòm vươn cao đại diện cho khu thành thị. Chợ trung tâm nằm giữa với mái vòm có đường kính 300 - 350m tượng trưng tâm điểm địa cầu.

Gốm sứ vỉa hè.

Gốm sứ vỉa hè.

Bên trong dãy tường thành Chorsu Bazaar có khoảng sân rộng hình chữ nhật dành cho người đến chợ dừng nghỉ chân, đồng thời là nơi để hoàng gia thông báo tin tức chiến trường, chính sách mới. Người địa phương gọi Chorsu vừa là linh hồn và một trái tim cũng chẳng sai bởi còn có thánh đường Juma cứu rỗi tâm hồn, và đến Chorsu để gặp gỡ, chuyện trò, mua bán, vệ sinh cơ thể trong những nhà tắm công cộng.

Cuộc sống của người thành thị Tashkent từ thời cổ - trung đại cứ quanh quẩn trong Chorsu Bazaar cho đến khi tối mịt mới về nhà.

Bản sắc cội nguồn

Tôi xuyên qua lồng chợ trung tâm với các quầy hàng được bố trí vô cùng ngăn nắp, gọn gàng. Người bán hàng cũng ý thức giữ gìn sạch sẽ rất cao. Bên ngoài nhà lồng chợ, tôi lại thích ngắm nhìn người nghèo đến Chorsu bày biện các mặt hàng thành từng đống, ngồi mua bán chồm hổm, gợi lại ký ức về các phiên chợ hoang sơ trên cát của những đoàn lạc đà xưa.

Quầy gia vị.

Quầy gia vị.

Ngày nay, Chorrsu Bazaar có bảy mái vòm, trong đó mái vòm trung tâm rộng đến mức người đến chợ thật nhỏ bé trong những tấm ảnh tôi có được. Dòng thời gian cứ thở từng nhịp văn hóa đều đặn trên mái vòm khi chiếc lều yurk được cách điệu lại để diễn tả cội nguồn người Uzbek là du mục.

Những thanh trụ ôm lấy chiếc lều được thiết kế theo kiến trúc trường đua ngựa Hippodrome của người Hy Lạp. Những người lữ hành đến Tashkent vào thế kỷ XVIII ghi lại, quảng trường Eski Juva rộng lớn trước chợ Chorsu là trường đua rôm rả từ sáng đến chiều, đi kèm dịch vụ nhộn nhịp cùng tệ nạn. Đoàn thương gia phải thử để biết có là “thiên lý mã” thật sự hay không mà săn lùng, bởi theo huyền thoại hãn huyết phi nước đại 1.000 dặm và mồ hôi đỏ tươi màu máu.

Thon dài, e ấp trên mái vòm là những cánh hoa diên vĩ, quốc hoa của Uzbekistan, cũng là cánh hoa của đại đế Cyrus và dệt ước mơ từ đại đế Alexandros. Các nhà thực vật học ngày nay không xác định được cội nguồn hoa diên vĩ khi các thiên thần nhà trời đem gieo hạt chúng khắp quả địa cầu.

Có một giống hoa diên vĩ mọc trên núi cao để sương gió Khorasan ôm ấp hình hài chúng và đại đế Cyrus mang đến trồng ở Bukhara khi xây dựng thành phố. Ngày nay, cánh hoa diên vĩ màu vàng trắng ở Bukhara được các nhà khoa học phân loại thành tên riêng là Iris Bucharia.

Ngăn nắp trong Chorsu Bazaar.

Ngăn nắp trong Chorsu Bazaar.

Trong truyền thuyết Hy Lạp, nữ thần Iris tạo ra hoa diên vĩ để kết nối thiên đường và mặt đất bằng chiếc cầu vồng bảy màu lấp lánh sau mưa. Ước mơ của nhân loại sẽ được những chiếc cầu vồng mang đến thiên đường. Màu của hoa diên vĩ trên mái vòm lá xanh của đồng cỏ đã nuôi nấng hình hài người du mục.

Khi những cơn mưa đi qua, cỏ xanh thêm mướt cho đàn gia súc chóng lớn và chiếc cầu vồng xuất hiện trên thảo nguyên bao la sẽ thì thầm với thần Tengri - chúa tể bầu trời những mơ ước của người du mục.

Ngắm nhìn từ xa, mái vòm tròn đều của Chorsu Bazaar còn là hình dáng hoa lựu mà trong kinh thánh Hebrew là “cây sự sống” khi thánh Noah mang từ tàu xuống gầy dựng lại trần thế sau cơn đại hồng thủy.

Plov, món cơm quốc gia của người Uzbek.

Plov, món cơm quốc gia của người Uzbek.

Tôi từng có ký ức thân thương về những ngôi chợ cuộc đời. Từ chợ nhỏ chồm hổm miền quê nuôi dưỡng tâm hồn và chủ nhật nhảy cẫng lên khi được mẹ bắt xe dẫn đi chợ lớn thứ chi cũng có. Một thế giới từng nhỏ bé trong suy nghĩ, rồi thật rộng lớn trong ánh mắt khi tuổi đời trôi từng vệt dài qua bước chân. Người xưa ghi rằng, Chorsu Bazaar sầm uất từng lưu lại không biết bao nhiêu vết chân lạc đà, nhộn nhịp suốt cả tuần, nhưng ngày chủ nhật luôn là phiên chợ đặc biệt nhất.

Tashkent một thời đâu chỉ có Chorsu, còn có những phiên chợ truyền thống khác kể lại những câu chuyện nhộn nhịp vó ngựa đường xa như: Alay dành cho tầng lớp thượng lưu, Chigata chuyên về nông sản, Farkhad của những người nông dân nghèo, chợ Hippodrome dành riêng cho người Trung Hoa đến mua ngựa, chợ Mirabad của người Hàn Quốc và chợ gia súc Yangiabad.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ngoi-cho-bay-mai-vom-dien-vi-23749.html