Ngôi chùa gần 700 năm ở Hà Nội nguy cơ sập đổ, dân không dám vào dâng hương

Được xây dựng từ năm 1328, chùa Tre (ở Phú Xuyên, Hà Nội) đang xuống cấp trầm trọng, người dân không dám vào dâng hương vì sợ chùa sập đổ.

Chùa Tre có tên chữ là Diễn Phúc Tự ở thôn Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Căn cứ vào tấm bia đá trước tiền đường, chùa Tre được dựng vào đời Khai Thái thứ 5, ngày mồng 7 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1328), tức đời vua Trần Minh Tông.

Cổng chùa đã được xây mới, khắc 3 chữ Hán "Diễn Phúc Tự", bên cạnh có cây bồ đề hàng trăm năm tuổi. Hình ảnh này trái ngược với khu vực bên trong chùa.

Chùa Tre quay về phía tây, hướng ra sông Nhuệ. Nhà tiền đường chạy dài 5 gian. Bên trái có một số mộ tháp của các sư trụ trì. Trước sân chùa có tượng Quan Thế Âm Bồ tát thế đứng và một cây hương đá có niên đại từ thế kỷ XVIII.

Đang nhổ cỏ gần 2 tượng hình rồng bằng đá có niên đại hàng trăm năm, Trụ trì Thích Đàm Vinh cho hay: "Hiện, mái ngói của ngôi chùa đã hỏng. Trụ bằng gỗ mục nát, rỗng bên trong, người dân không ai dám vào để thắp hương vì sợ sập. Tôi cũng không dám vào thắp hương nếu ở ngoài không có người".

Theo Thầy Thích Đàm Vinh, nội dung tấm bia đá dựng bên trái tiền đường ghi: Duy Hoàng Việt Trần triều đệ lục đế bi minh tịnh tự - tức đời Trần Minh Tông và Viện Diễn Phúc - Lộ Quốc Oai - Hương Già, xóm Quế, để kính tặng thường trụ Tam Bảo…

Toàn bộ phần mái ngói của ngôi chùa đã hỏng, các hạng mục khác cũng xuống cấp trầm trọng, rêu phong mọc um tùm.

Trong sân chùa Tre dựng một tượng Phật bà Quan Âm lớn, cao hơn 5m. Tuy nhiên, theo thời gian tượng Phật bà Quan Âm đã nứt, vỡ có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.

Hiện tại, ngôi chùa đang được treo biển cảnh báo nguy hiểm, người dân không thể vào dâng hương. Trụ trì Thích Đàm Vinh cho biết chùa xuống cấp từ năm 2017. Khoảng giữa năm 2019, các lãnh đạo xã và thôn đến chùa để bàn bạc về việc tu sửa lại. Ngôi chùa gần 700 tuổi nhưng không được chứng nhận là di tích lịch sử quốc gia do những sắc phong đã bị mất từ lâu.

Trong thượng điện chùa Tre hiện còn nhiều bức tượng cổ rất đẹp, tiêu biểu là tượng Quan Âm Nam Hải có 18 tay, cao 2 m, ngồi kiết già trên bệ sen.

Ngoài ra, chùa Tre còn lưu giữ được chiếc chuông cổ có niên đại hàng trăm năm.

Căn cứ vào các mảng gạch nung, trang trí hình rồng yên ngựa, hoa cúc, người cưỡi ngựa... bên hồi tiền đường mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, có thể khẳng định chùa từng được trùng tu vào thời nhà Mạc.

Theo ghi nhận PV, trong điện Tam Bảo, không ít vị trí mái ngói đã vỡ, thậm chí lộ thiên. Mưa nhiều, mái dột, khiến cho một số pho tượng gỗ bị ẩm mốc, mục nát. Nhiều vị trí tường vôi đã nứt thành từng mảng lớn. Nền gạch bong tróc. Hệ thống cửa và cột kèo bị mối mọt đục rỗng bên trong.

Những trụ cột chính đã mục nát, một số trụ cột bị rỗng bên trong, tạo môi trường thuận lợi cho cây cỏ mọc.

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên đã có văn bản yêu cầu chấp nhận chủ trương tu sửa chùa Tre xuống cấp. Hiện tại, nhân dân đã thống nhất về việc tu sửa, nhà chùa cũng đã mời đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế.

Ngô Nhung

Nguồn VTC: https://vtc.vn/anh-ngoi-chua-gan-700-nam-o-ha-noi-nguy-co-sap-do-dan-khong-dam-vao-dang-huong-ar672303.html