Ngôi chùa lưu giữ nhiều hiện vật quý

Thôn Ngọc Chi, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) có ngôi chùa Phúc Khánh nổi tiếng linh thiêng. Chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2011.

Chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào thời Lê và thời Nguyễn. Tương truyền, chùa nằm trên trán rồng, hai mắt rồng là hai giếng chùa. Công trình chính được đại trùng tu vào năm 1920, có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm ba gian tiền đường và hai gian hậu cung, xây bít đốc nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín. Mặt tiền quay về hướng tây nam.

Ba gian tiền đường dài 9,8 m, rộng 5,95 m, chất liệu gỗ lim bao gồm 4 vì kèo được kiến tạo giống nhau kiểu con chồng - giá chiêng, cột cái có đường kính 0,28 m, cao 4 m; cột quân đường kính 0,23 m, cao 2,97 m. Hai vì nách gian trung tâm chùa có hai bức chạm liên hoàn cả hai mặt, giữa hai mặt đều có cuốn thư với các chữ Hán: Hoa khai ưu bát chi, quả kết bồ đề thụ (cành nở hoa bát nhã, cây kết quả bồ đề). Một bức một mặt chạm mai hóa long, một bức một mặt chạm lá hóa long.

Các vì kèo là hệ thống giằng ngang của toàn bộ ngôi chùa. Mỗi vì kèo bao gồm các chi tiết như bẩy hiên, cột quân, xà nách, con thuận 1 khoảng, 2 khoảng, 3 khoảng, cột cái, cột đầu, trụ đấu… được nghệ nhân dân gian tạo dựng kỹ càng, hệ thống các mang mộng bén khít, không bị xô lệch. Ngoài hệ thống giằng ngang, tiền đường còn có hệ thống giằng dọc liên kết các vì kèo. Hệ thống hoành được bài trí theo lối trên bốn, dưới năm khá chắc chắn.

Chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật cổ, đồ thờ tự tương đối đầy đủ

Chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật cổ, đồ thờ tự tương đối đầy đủ

Tiền đường chùa Phúc Khánh còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao, mang đậm nét kiến trúc truyền thống, thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân xưa. Trên các bẩy hiên và xà nách, con thuận 1 khoảng, 2 khoảng, 3 khoảng chạm lá hóa long, lá lật.

Ngôi chùa đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng đến vãn cảnh chùa Phúc Khánh hôm nay du khách vẫn được chiêm ngưỡng một hệ thống tượng Phật cổ, đồ thờ tự tương đối đầy đủ với năm lớp tượng thờ, mỗi pho tượng đều có dáng dấp, phong cách riêng.

Lớp tượng thứ nhất gồm ba pho tượng Tam Thế được tạc ở tư thế tọa thiền trên đài sen, hai chân khoanh tròn, hai bàn tay lồng vào nhau, hai ngón tay cái chạm vào nhau, mắt nhắm, tai dài.

Lớp tượng thứ hai gồm 3 pho. Chính giữa là tượng A Di Đà, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Cũng gồm 3 pho, chính giữa lớp tượng thứ ba là tượng Quan Âm chuẩn đề, hai bên là tượng Quan Âm tống tử và Thánh Hiền.

Giữa lớp tượng thứ tư là tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu ngồi trên bệ giật cấp, hai chân đi hia, mặc áo long bào và quan triều, đầu đội mũ, nét mặt nghiêm trang. Cuối cùng là lớp tượng thứ năm với tòa Cửu Long được tạo hình nghệ thuật thành nhiều lớp tượng sinh động.

Quả chuông Ngọc Điều chung ký được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797)

Quả chuông Ngọc Điều chung ký được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797)

Hiện chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật từ thời Lê và thời Nguyễn như bia đá, chuông đồng, tượng thờ, bức chạm, câu đối, cuốn thư, đồ thờ. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ 7 tấm bia đá có niên đại vào thời Lê và thời Nguyễn.

Một trong những bảo vật còn được lưu giữ tại chùa là quả chuông Ngọc Điều chung ký được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797). Chuông cao 98 cm, đường kính miệng 48,3 cm, 4 múi. Trên thân khắc 1.400 chữ ghi tên những người công đức.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Phúc Khánh là nơi huấn luyện của Trường Quân chính thuộc đệ tứ chiến khu Đông Triều chuẩn bị cho khởi nghĩa cướp chính quyền ở Ninh Giang ngày 18.8.1945 và thành lập chính quyền cách mạng. Dưới nền hậu cung chùa là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ và du kích của xã.

Chùa Phúc Khánh còn là nơi tổ chức các cuộc họp của chi bộ đảng địa phương, nơi sơ tán của công binh xưởng, Viện Quân y tỉnh (Bệnh viện Quân y 7 hiện nay) và Quân khu 3. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc chia tay con em quê hương lên đường nhập ngũ chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 14.12.2011, chùa được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 3401/QĐ-UBND.

LƯƠNG THIỆN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/ngoi-chua-luu-giu-nhieu-hien-vat-quy-144772