Ngôi cổ tự linh
Nhìn cảnh chùa Cổ Am hôm nay, mỗi người trong chúng ta lại cầu mong cho khắp nơi xứ xứ gây dựng đạo tràng, hướng dẫn tu hành để người người được 'tắm gội' dưới ánh sáng Từ quang giả pháp Phật đản...
Hàng triệu năm để một lèn núi hình thành giữa một làng quê tĩnh mịch. Hàng vạn năm để tạo nên những hang động với những nhũ thạch kỳ bí. Hàng ngàn năm để một tôn giáo ra đời tồn tại mãi mãi với thời gian. Hàng trăm năm để một ngôi cổ tự ghi dấu giữa lưng chừng lèn núi. Để rồi thời gian tiếp nối thời gian, với bao tâm huyết và nguyện thực từ một vùng đất hoang sơ hình thành nên một ngôi cổ tự uy nghi - chùa Cổ Am hoàn thành vào giữa năm 2017, là một trong những ngôi chùa đầu tiên được phục dựng góp phần viết tiếp trang sử còn dở dang của Phật giáo xứ Nghệ.
Theo các tài liệu còn lưu giữ, chùa được xây dựng thời Hậu Lê, là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của đất phủ Diễn Châu. Trải qua hơn 600 năm với nhiều dấu ấn thăng trầm của lịch sử, chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử Quốc gia theo quyết định số 3211/QĐ/BT ngày 12/12/1994. Năm 2010, chùa được UBND tỉnh Nghệ An cho phép phục dựng theo Quyết định số 2802/QĐ.UBND-NC ngày 30/6/2010.
Theo đó, chùa được quy hoạch xây dựng trên diện tích 14ha và dự kiến việc xây dựng sẽ phân kỳ nhiều giai đoạn: giai đoạn 1 gia cố thượng điện, nhà tăng, nhà bái đường, tượng Phật dưới chân núi, đường lên núi bằng đá; giai đoạn 2 xây dựng Tam bảo, nhà giảng đường, sân lễ hội, tháp chuông, tôn tạo các hang động thành điểm chiêm bái và thờ phụng.
Đại hùng bảo điện chùa Cổ Am nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên chùa với chi phí xây dựng gần 23 tỷ, thiết kế quy mô theo chùa Việt truyền thống, chia làm 2 tầng với tổng diện tích 2.600m2, chiều dài 50m, chiều rộng 25m và chiều cao 30m. Tầng trên là chính điện phục vụ cho nghi lễ hàng ngày và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cư dân huyện nhà. Ngay giữa trung tâm chính điện là tôn tượng Thích Ca Mâu Ni cao hơn 5m làm bằng gỗ mít dát vàng.
Tăng đường chùa nằm phía sau Đại hùng bảo điện có diện tích 960m2 với thiết kế 3 tầng chia làm 3 khu rõ rệt. Tầng 1 gồm có phòng khách và phòng phật tử tu học tại chùa, tầng 2 dành riêng cho chư tăng, tầng 3 là khu dành cho các đoàn khách thập phương về nghỉ lại. Bảo tháp 5 tầng với tổng diện tích 720m2. Vường La - hán nằm phía hông chính điện với các điểm nhấn: tượng Thích ca bằng phù điêu cao 4,2m khắc trực tiếp lên bề mặt núi đá, xung quanh Phật đài bố trí 18 vị La - hán bằng đá xanh. Cùng với đó là hang động Như Ý được tôn trí một bảo tượng Quan Âm và một tượng ngài Cấp Cô Độc. Tổng chi phí cho các công trình phục dựng giai đoạn 1 là 46 tỷ 955 triệu đồng từ các nguồn xã hội hóa.
Một đặc điểm đặc biệt của công trình kiến trúc Phật giáo này đó là từ tên chùa cho đến từng câu chữ lời răn của đức Phật đều được ghi bằng tiếng Việt và được đặt ở những vị trí trang nghiêm nhất. Chiêm ngưỡng những nét chữ chân phương nhưng lại rất thanh nhã, ta mới thấy được rằng thầy trụ trì đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu tâm tình để thập phương bá tánh có thể một phần nào đó ngộ ra ý nghĩa thông qua câu chữ mang đậm hồn cốt quê hương.
Nhìn cảnh chùa Cổ Am hôm nay, mỗi người trong chúng ta lại cầu mong cho khắp nơi xứ xứ gây dựng đạo tràng, hướng dẫn tu hành để người người được “tắm gội” dưới ánh sáng Từ quang giả pháp Phật đản; để cháu con kiếp kiếp nương tựa tâm linh, nối rồng phật thánh và tích đức thánh thiện. Để được vậy, những người con Phật, những hàng cư sĩ tại gia hãy biến niềm tin yêu thành hành động, hợp lực đồng lòng xây dựng thêm nhiều ngôi chùa hơn nữa trên mảnh đất Diễn Minh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung./.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngoi-co-tu-linh-a3561.html