Ngôi đền nuôi sống cả thành phố

Trong thành phố nổi tiếng là 'trái tim đang đập của đạo Sikh' – Amritsar, Ấn Độ, tọa lạc đền Vàng phục vụ 100 nghìn bữa ăn miễn phí mỗi ngày.

Đền Vàng, trung tâm thiện nguyện của Amritsar. Ảnh: Bbc.com

Đền Vàng, trung tâm thiện nguyện của Amritsar. Ảnh: Bbc.com

Trong thành phố nổi tiếng là “trái tim đang đập của đạo Sikh” – Amritsar, Ấn Độ, tọa lạc đền Vàng phục vụ 100 nghìn bữa ăn miễn phí mỗi ngày. Bất cứ ai cũng được chào đón tại đây, bất kể giờ giấc.

Hiện thân của tinh thần thiện nguyện

Amritsar là thủ phủ hành chính của quận cùng tên thuộc bang Punjab, Ấn Độ có diện tích khoảng 50 km2 và dân số khoảng 2 triệu người. Theo tư liệu lịch sử, Amritsar được thành lập từ thế kỷ XVI bởi một đạo sư Sikh giáo.

Đạo Sikh coi trọng tấm lòng cho đi mà không đòi hỏi nhận lại, đặt tên tín niệm này là seva (thiện nguyện). Các tín đồ của đạo Sikh bày tỏ tinh thần và hành động thiện nguyện trong các đền thờ, bằng những việc làm đơn giản như dọn dẹp, phục vụ bữa ăn, duy trì trật tự… hoặc thiện nguyện tại gia thông qua các việc làm hào phóng, từ thiện.

Trung tâm thiện nguyện của Amritsar là đền Vàng, ngôi đền lộng lẫy được xây dựng từ năm 1577. Đây chính là 1 trong 3 địa điểm tâm linh quan trọng nhất của đạo Sikh (2 đền còn lại là Gurdwara Darbar Sahib Kartarpur ở Kartarpur và Gurdwara Janam Asthan ở Nankana Sahib). Đền Vàng có kiến trúc hình vuông, 4 lối vào, một hồ nước nhân tạo bao quanh và con đường đi vòng quanh hồ.

Bốn lối vào của đền Vàng tượng trưng cho quan điểm “nhân sinh bình đẳng” và “tất cả mọi người đều được chào đón”. Nhờ được xây bằng đá cẩm thạch và phủ ngoài bằng vàng lá, đền Vàng tỏa sáng rực rỡ, đặc biệt là trong ánh điện vào ban đêm. Tuy nhiên, điều khiến đền Vàng được biết đến khắp năm châu bốn biển không phải vẻ bề ngoài này, mà là danh tiếng “hiện thân của tinh thần thiện nguyện”.

Bên trong đền Vàng có nhà bếp khổng lồ - Langar, phục vụ 100 nghìn bữa ăn miễn phí mỗi ngày. Điều hành công việc thiện nguyện ở đây là đội tình nguyện viên đông đảo. Mỗi ngày, họ chăm chỉ chuẩn bị thực phẩm và làm các món ăn địa phương quen thuộc như đậu hầm, bánh mì dẹt, sữa chua…

Hoạt động 24/7

Hội trường Langar rất rộng, có thể chứa 200 người một lúc. Bất kể ai bước vào Langar cũng được tiếp đón tử tế, mời ăn uống no đủ. Cứ sau khoảng 15 phút, các tình nguyện viên lại bưng bê thức ăn vào hội trường một lần, phân phát cho tất cả những ai đang có mặt. Nếu ai đó muốn ăn thêm vì vẫn chưa no, họ chỉ việc ăn nhanh cho hết đĩa của mình và bước ra phía sau, nơi đặt bếp nấu nướng và xin thêm.

Langar hoạt động liên tục, không kể ngày đêm. Suốt 24 tiếng, các tình nguyện viên liên tiếp phục vụ bữa ăn, dọn dẹp hội trường và lại bưng bê, dọn dẹp. Nhờ có đền Vàng, không có bất cứ ai ở Amritsar phải đi ngủ với cái bụng đói. Cho dù là lúc nào, họ cũng có thể vào Langar và lập tức được phục vụ một bữa ăn nóng sốt.

Hội trường nhà bếp trong đền Vàng chứa được 200 người, phục vụ thức ăn sau mỗi khoảng 15 phút và liên tục suốt 24 giờ. Ảnh: Wikipedia.org

Hội trường nhà bếp trong đền Vàng chứa được 200 người, phục vụ thức ăn sau mỗi khoảng 15 phút và liên tục suốt 24 giờ. Ảnh: Wikipedia.org

“Tôi sinh ra, lớn lên ở Amritsar và chưa bao giờ bị đói bụng, vì trong thành phố quê hương có đền Vàng với bếp ăn công cộng khổng lồ, nơi ai cũng được hoan nghênh vào dùng bữa. Chỉ khi đến New York, Mỹ lập nghiệp, tôi mới biết thế nào là cuộc sống không dễ dàng”, đầu bếp Vikas Khanna tâm sự. Với tinh thần thiện nguyện, trong thời gian Covid-19, anh đã phân phát hàng triệu bữa ăn miễn phí.

Trên khắp thế giới, người theo đạo Sikh cũng hào phóng trong thời gian phong tỏa, hạn chế vì đại dịch giống như anh Khanna. Tại Vương quốc Anh, các tình nguyện viên giao hàng nghìn bữa ăn mỗi ngày cho nhân viên y tế. Tại Mỹ, họ nấu hàng chục vạn bữa ăn miễn phí trong ngày…

Thân thiện và đoàn kết

Không chỉ trong đền Vàng mà ở bất cứ đâu trong Amritsar cũng biểu hiện tinh thần thiện nguyện. Vừa bước chân vào thành phố này, du khách đã nhận thấy sự thân thiện của người dân. Dù đi đến đâu, họ cũng được đón tiếp bằng nụ cười và thái độ sẵn sàng giúp đỡ. Chỉ cần thấy có ai đó đứng ngơ ngác, những người xung quanh lập tức bước lại gần, hỏi thăm xem có giúp được gì không.

Ban đêm, du khách đi dạo trên đường phố Amritsar có thể được người dân ngẫu nhiên dặn dò hãy cẩn thận giữ túi xách ở những chốn đông người. Trong các quán xá đông khách, thực khách đến trước sẵn sàng nhường bàn cho người đến sau bằng cách ngồi sát lại với nhau để thừa ra chỗ. Cho dù là với khách lạ mới ghé lần đầu, người dân cũng không ngại mời vào nhà uống nước, ăn cơm và chuyện trò.

Khắp Amritsar, đâu đâu cũng có đồ ăn. Các món địa phương ngon lành như bánh mì dẹt, đậu lăng hầm, bánh gạo… được bán la liệt ven đường. Mặc dù trong thành phố song hành 2 tín ngưỡng là đạo Sikh và đạo Hindu vốn khét tiếng đối chọi nhau mọi nơi, mọi lúc nhưng không ai căm ghét ai. Thay vào đó, họ vị tha lẫn nhau và chia ngọt sẻ bùi bất chấp sự khác biệt về tôn giáo.

“Thiện nguyện là yêu thương, cho đi, vị tha kín đáo. Chúng tôi luôn được dạy dỗ rằng, nếu tay trái thiện nguyện thì ngay cả tay phải cũng không được phép biết”, nhà văn Jasreen Mayal Khanna cho biết.

Người dân Amritsar xem thiện nguyện như kim chỉ nam cuộc sống. Ảnh: Thestar.com

Người dân Amritsar xem thiện nguyện như kim chỉ nam cuộc sống. Ảnh: Thestar.com

Trái với cuộc sống ấm êm hiện tại, quá khứ của Amritsar rất đau thương. Năm 1919, đô thị này là địa điểm của cuộc thảm sát Jallianwala Bagh với hơn 1.500 người bị giết. Năm 1984, bản thân đền Vàng cũng bị tấn công, dẫn đến vụ ám sát Thủ tướng Indira Gandhi và cuối cùng là vụ thảm sát hàng nghìn tín đồ Sikh giáo vô tội.

Người dân Amritsar vẫn nhớ rõ các sự kiện bi thảm từng xảy ra, kể lại cho con cháu nghe, nhưng không phải để kích động hận thù, mà nhắc nhở hãy sống vị tha. Với họ, tinh thần thiện nguyện là tiêu chí sống phải được duy trì và phát huy mãi mãi, tin tưởng đây chính là chìa khóa đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn.

Ninh Thị Thơ (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngoi-den-nuoi-song-ca-thanh-pho-post655018.html