Ngôi đình thờ 7 vị thành hoàng làng là anh em
Đình An Điền còn có tên nôm là đình Cả, nằm ở trung tâm thôn An Điền, xã Cộng Hòa (Nam Sách). Đình khá đặc biệt vì thờ đến 7 vị thành hoàng làng là anh em trong một gia đình.
Tích xưa truyền lại, cuối thế kỷ thứ VIII anh em họ Phùng được vua sai đi dẹp giặc Triệu Hồ Lắc vào xâm lấn nước ta và dẹp loạn trong nước. Sau khi đánh thắng quân giặc, 7 ông về làng An Điền, hóa ngày 15 tháng 9. Nghe tin, vua vô cùng thương xót, truyền chỉ cho nhân dân lập miếu phụng thờ, tặng phong cho các ngài là Thượng Đẳng phúc thần. Do có công lao với dân với nước nên 7 vị thành hoàng được vua Nguyễn ban nhiều sắc phong qua các triều đại: Tự Đức thứ 6 (1853), Đồng Khánh thứ 2 (1887); Duy Tân thứ 1 (1907); Khải Định thứ 9 (1942). Song các sắc phong trên đã bị thất lạc trong kháng chiến chống Pháp.
Các cụ trong Ban khánh tiết đình An Điền cho biết, đình An Điền trước kia là một ngôi miếu được khởi dựng từ khá sớm trong lịch sử. Thời Nguyễn đời vua Thành Thái năm Kỷ Sửu 1889, ngôi miếu được nhân dân nâng cấp thành ngôi đình khang trang, to đẹp với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung bằng gỗ tứ thiết. Trải qua sự biến thiên của thời gian, đình bị hư hại, gian hậu cung xuống cấp. Năm 2012, xây dựng thêm 5 gian đại bái phía ngoài và tu sửa gian tiền bái và hậu cung bên trong theo phong cách truyền thống.
Hiện nay, đình An Điền có kiến trúc kiểu tiền Nhất, hậu Đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian tiền bái và 2 gian hậu cung chủ yếu bằng bê tông cốt thép giả gỗ, mái lợp ngói mũi, các góc mái đình có đắp đầu đao hình rồng, bờ nóc đắp nổi đề án “lưỡng long chầu nguyệt”, các vì kèo theo kiểu con chồng đấu sen, đầu dư hình hổ phù hóa rồng. Đặc biệt ở gian tiền tế còn lưu giữ 2 bộ vì kèo, xà nách, cột bằng gỗ lim nguyên bản thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trang trí chạm khắc trên các vì kèo, xà nách cổ này là các đề tài “tứ linh”, “tứ quý” và lá hóa rồng cách điệu theo lối chạm nổi, chạm kiêng bong rất tinh xảo.
Theo tục lệ xưa, hằng năm lễ hội đình An Điền diễn ra trong 3 ngày từ 17 đến 20 tháng giêng âm lịch, trọng hội là ngày 18 kỷ niệm ngày sinh của các vị thành hoàng làng. Ngày 17 tháng giêng, nhân dân trong làng tổ chức lễ cáo yết mở cửa đình; sáng ngày 18, cán bộ, nhân dân địa phương làm lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức các vị thành hoàng. Lễ phẩm gồm có xôi, thủ lợn, rượu, hoa tươi, quả, bánh kẹo… Tham gia lễ tế có 40 người gồm đội tế nam, đội tế nữ, đội nhạc lễ và đội lính tốt. Đội tế thực hiện 4 tuần tế (1 tuần hương, 3 tuần rượu, đọc chúc, hóa chúc). Tế xong ban khánh tiết cùng dân làng thụ lộc tại đình. Ngoài rước, tế lễ, trong lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, vài năm gần đây là bóng chuyền, cầu lông; các tiết mục văn nghệ như hát chèo, quan họ... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/ngoi-dinh-tho-7-vi-thanh-hoang-lang-la-anh-em-167543