Ngôi đình thờ tiến sĩ Vũ Loan

Đình Lại, xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) tọa lạc trên một khuôn viên cao ráo, thoáng rộng ngay đầu thôn, bên phải là dòng sông Kẻ Sặt, bên trái là xóm làng đông vui quần tụ.

Đình Lại ngày nay

Đình Lại ngày nay

Văn bia tại địa phương ghi nhận đình Lại khởi dựng trước năm Khánh Đức 4 (1652). Đến thời Nguyễn, đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo khang trang. Đình thờ ba vị thành hoàng, trong đó có một vị tiến sĩ người địa phương là Vũ Loan, được tặng phong Quang ý trung đẳng thần.

Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Vũ Loan không rõ năm sinh, năm mất, người xã Tuy Lai, huyện Đường An (nay là thôn Lại, xã Vĩnh Hưng, Bình Giang). Ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487). Làm quan tới chức Đông các đại học sĩ. Đông các là một trong những tên gọi của Nội các Đại học sĩ thời Minh Thanh như Hoa cái điện (sau đổi thành Trung Cực điện), Văn Hoa điện, Vũ Anh điện, Cẩn Thân điện (sau đổi thành Kiến Cực điện), Văn Uyên các và Đông các. Khi vua Lê Thánh Tông định quan chế, cho đặt chức Học sĩ ở các điện, đồng thời cũng đặt chức Đông các đại học sĩ, dưới có Đông các học sĩ. Chức vụ của Đông các là phàm các bài chế, biểu, thơ, ca, văn thư đều phụng mệnh sửa chữa, cũng là bầu cử ở triều đường chưa được hợp, đều làm tờ trình lên.

Do có công lao với dân, với nước, tiến sĩ Vũ Loan được triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), sắc phong “Đoan túc dực bảo trung hưng Lê triều tiến sĩ hiệu thảo võ phủ quân Loan chi thần”; niên hiệu Khải Định 9 (1924), sắc phong Quang ý trung đẳng thần và cho phép bản xã phụng sự thờ tự. Hai đạo sắc phong này hiện lưu giữ tại đình Lại.

Ngai và bài vị thờ tiến sĩ Vũ Loan tại tòa hậu cung

Ngai và bài vị thờ tiến sĩ Vũ Loan tại tòa hậu cung

Các cụ cao niên trong làng cho biết, đình Lại xưa đã nhiều lần di chuyển. Lần thứ nhất, ngôi đình tọa lạc ở phía cuối làng, mặt tiền quay hướng đông, nhưng từ đó có hiện tượng mùa màng thất bát, gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, đời sống của người dân trong làng ngày một khó khăn, cơ cực. Dân làng họp bàn cho rằng, vị trí của ngôi đình không đẹp khi phía trước có một gò đất cao giống như một lưỡi đao đâm thẳng vào đình nên ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của làng. Do vậy, làng quyết định chuyển ngôi đình ra một vị trí mới ở trung tâm làng, mặt tiền quay hướng nam, nhưng khi đình được xây dựng xong lại có một hiện tượng khác xảy ra là người trong làng chết trẻ rất nhiều. Dân làng lại họp bàn, cho rằng hướng đình không thuận, thành hoàng làng phải ngự ở đầu làng nên quyết định di chuyển ngôi đình (lần thứ ba) ra đầu làng (vị trí hiện nay). Ngôi đình tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, mặt tiền quay hướng tây, phía trước là ao đình tạo cảnh quan, đồng thời cũng là nơi lưu thủy tụ phúc theo quan niệm dân gian. Qua ao có một gò đất nổi cao giống như hình một cái bảng ẩn dưới tán lá của cây đa cổ thụ với ý nghĩa mong muốn cho sự học hành của con em trong làng thành đạt, được ghi tên vào bảng vàng. Từ đó, dân làng có cuộc sống yên ổn, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tấn tới. Di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Hệ thống cột cái, cột quân, vì kèo bằng gỗ lim chắc khỏe. Các bức chạm khắc theo đề tài lá lật, lá hóa long và độc long tập trung tại dãy bảy hiên và xà nách, con rường tòa đại bái. Phía trước đình có hai dãy giải vũ, mỗi dãy ba gian, cột vì kèo bằng gỗ. Cả hai tòa nhà này đều không có hệ thống cửa, trong đó một dãy đựng đồ thờ như kiệu bát cống, long đình... phục vụ cho những ngày đình đám. Phía sau hậu cung có một cây quéo cổ thụ, tán xòe rộng.

Bài trí thờ tự gian trung tâm tòa đại bái

Bài trí thờ tự gian trung tâm tòa đại bái

Năm 1947, làng Lại bị thực dân Pháp chiếm đóng và càn quét dữ dội, do phong trào cách mạng địa phương phát triển mạnh. Thời gian này, sau khi do thám biết đình Lại là địa điểm đóng quân, luyện tập và họp bàn các phương án đánh giặc của cán bộ Việt Minh, bộ đội huyện và dân quân du kích địa phương, thực dân Pháp đã đốt cháy hoàn toàn ngôi đình. Nhân dân địa phương đã bí mật khéo léo vận chuyển được một số đồ thờ tự như bia ký, sắc phong... của đình ra nghè Lại. Từ năm 1960 - 2016, khuôn viên di tích được sử dụng phát triển vườn cây ăn quả. Năm 2018, với sự ủng hộ của chính quyền, nhân dân địa phương đã huy động mọi nguồn lực, đóng góp công của khôi phục đình Lại trên nền xưa, hướng cũ theo lối kiến trúc cổ với kinh phí gần 2 tỷ đồng, là công trình văn hóa tâm linh có giá trị, thể hiện tấm lòng thành kính của dân làng đối với các vị thành hoàng có công với dân, với nước. Cũng trong năm này, dân làng rước sắc phong từ nghè Lại về thờ tại đình, đồng thời mua sắm một số đồ thờ mới làm phong phú cho nội thất thờ tự.

Hằng năm, vào ngày 14-15 tháng giêng (âm lịch), chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của tiến sĩ Vũ Loan. Trong lễ hội, phần lễ có rước long đình từ đình ra nghè Lại (cách đình 400 m về hướng tây). Phần hội có tổ chức hát chèo, cờ người, kéo co...

ĐẶNG THU THƠM

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/ngoi-dinh-tho-tien-si-vu-loan-150783