Ngôi làng 10 năm chỉ một hộ dân ở vì lời đồn 'có ma'
Hoàn thành 10 năm nay, nhưng làng tái định cư Măng Rao (Đắk Pét, Đắk Glei, Kon Tum) gần như bỏ hoang, chỉ một hộ dân đến ở.
Ngôi làng bị bỏ hoang
Hơn 60 căn nhà bạc thếch, xuống cấp bởi thời gian, hầu như không có bóng người. Ông Nguyễn Khắc Tụ, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Pét chỉ tay về phía cuối làng bảo: "Chỉ có một hộ dân duy nhất đến ở thôi. Đó căn nhà duy nhất có cái mái chưa bị hỏng".
Gặp khách tới, chị Y Nhung (SN 1992) vợ anh A Nhong (SN 1987), cặp vợ chồng duy nhất sống ở làng tái định cư này mừng ra mặt.
Chị Y Nhung bồng đứa bé vừa sinh tầm 2 tháng cười nói: "Vui cái bụng vì lâu rồi mới có khách đến làng chơi. Làng đẹp mà chẳng ai đến ở cũng buồn lắm. Không người thân, không hàng xóm cả chục năm rồi".
Theo chị Nhung, vào năm 2009, trong trận bão lũ lịch sử xảy ra tại địa bàn huyện Đắk Glei, làng Đắk Đoát nằm bên dòng Pô Kô ở xã Đắk Pét chìm trong biển nước. Hàng trăm con người buộc phải bồng bế nhau đi lánh nạn.
Sau trận lũ ấy, hàng chục hộ dân người Giẻ Triêng ở làng Đắk Đoát trở về nhà nhưng chẳng còn gì. Gia súc, nhà cửa đều đã trôi theo dòng lũ.
Ông Tụ cho hay, trước tình cảnh ấy, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo bằng mọi cách để giúp đỡ người dân, chuyển làng đến một vị trí an toàn hơn. Ngay sau đó, huyện Đắk Glei đã tìm đất và lên kế hoạch xây dựng làng tái định cư tại thôn Măng Rao để dời những hộ dân bị sạt lở đến đây.
Khu tái định cư Măng Rao được giao cho huyện Đắk Glei làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng. Dự án thực hiện năm 2010, tại khoảnh đất rộng khoảng 2ha gần với trụ sở UBND xã Đắk Pét, cách làng Đắk Đoát sạt lở khoảng 7km.
Hơn 60 căn nhà bê tông kiên cố kiểu cách giống hệt nhau được mọc lên nằm xen kẽ với hệ thống giao thông tiện ích và có cả nhà rông. Đường bê tông, điện, nước sạch và gần với trường học, trung tâm y tế... đều sẵn sàng để người dân có thể ổn định cuộc sống.
Sau hai năm thi công, đến năm 2012, dự án trên hoàn thành và bắt đầu vận động người dân di dời khu dân cư về nơi ở mới. Nhưng chỉ ít lâu sau khi nhận nhà, nhận đất, người dân lục tục rủ nhau rời bỏ để trở về với ngôi làng bên dòng sông dữ.
Lời đồn "có ma" và nỗ lực hồi sinh làng
Ông Tụ cho hay, bà con về ở rồi lấy lý do nơi này xa khu làng cũ, mà làng cũ có đất đai, ruộng rẫy canh tác lâu đời. Nơi ở cũ xa tầm 6-7km, bà con nói ở xa khó làm ăn nên quyết rời về để tiện làm nương rẫy. Cán bộ địa phương thuyết phục mọi kiểu nhưng bà con vẫn quyết về.
Tuy nhiên, theo chị Nhung, lý do người này nối tiếp người kia rời đi vì họ bảo làng này "có ma" nên không ai dám ở. Duy chị Nhung vẫn ở lại một mình, lúc đầu cũng sợ vì chồng là phụ xe đường dài hay vắng nhà.
"Lời đồn thất thiệt nhưng dân bỏ làng tái định cư lại là thiệt. Làng này đẹp, sạch sẽ không sợ sạt lở hay mưa lũ nữa. Ở đây gần trung tâm xã, trung tâm huyện. Cần gì là chạy xe máy tầm hơn 20 phút đi mua", chị Nhung nói.
Người dân bỏ đi, khu tái định cư không ai chăm sóc nên xuống cấp, xập xệ. Phần nữa, ở thời điểm rời về nơi ở cũ, nhiều hộ dân đục tường để dỡ hết tài sản như mái tôn, cửa sổ, cửa chính mang đi.
Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết: "Người dân về khu tái định cư ở được thời gian ngắn rồi dọn đi. Khó để giữ chân người dân vì khu sản xuất và không gian văn hóa của đồng bào đã ăn sâu vào tâm thức".
Tuy nhiên, theo bà Thanh, hiện nhu cầu về tái định cư trên địa bàn huyện rất nhiều. Huyện Đắk Glei cũng đã có kiến nghị, đề xuất với tỉnh là nên mở rộng các đối tượng hưởng thụ các điểm tái định cư. Ví dụ như xã Đắk Pét hiện nay qua rà soát, khoảng 65 hộ có nhu cầu tái định cư. Các hộ dân này chủ yếu sống dọc sông Pô Kô.
"Chúng tôi đã đề xuất với tỉnh để xin chủ trương mở rộng đối tượng để khu tái định cư Đắk Đoát phát huy hiệu quả và không lãng phí", bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, vừa qua, đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra ngôi làng. UBND tỉnh giao cho huyện Đắk Glei chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát đánh giá lại toàn bộ dự án tại khu tái định cư Măng Rao. Từ đó, tham mưu đề xuất với tỉnh để có chỉ đạo nhằm đưa dự án vào sử dụng có hiệu quả và tránh lãng phí.