Ngôi làng bị bỏ rơi ở xứ Wales
Một ngôi làng từng được xem là 'thiên đường' cho đến khi biến đổi khí hậu thay đổi tất cả.
Giống như gần 700 cư dân khác đến với ngôi làng Fairbourne, Stuart Eves, 26 năm về trước, đã lựa chọn ngôi làng ven biển ở phía bắc xứ Wales này là nơi sinh sống lý tưởng.
Ông say mê nhịp sống yên bình, chậm rãi nơi làng quê nhỏ bé nép mình giữa những ngọn núi hiểm trở và bờ biển Ailen.
Ông Eves, 72 tuổi, người đã dành một khoảng thời gian dài sống tại ngôi làng ven biển này chia sẻ: “Fairbourne có biển, có núi, đây chính là một thiên đường dưới mặt đất”.
Biến cố với ngôi làng Fairbourne
Mọi thứ đều yên bình cho đến năm 2014, khi các nhà chức trách xác định, Fairbourne chính là cộng đồng ven biển đầu tiên ở Anh có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao, hệ quả từ biến đổi khí hậu.
Dự đoán mực nước biển dâng cao nhanh hơn cùng cơn bão cực đoan và thường xuyên hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu, chính phủ cho biết, chỉ có thể bảo vệ ngôi làng trong 40 năm nữa. Đến năm 2054, việc sống ở làng Fairbourne sẽ không còn an toàn và ổn định nữa.
Các nhà chức trách xứ Wales đã thông báo với dân làng về quá trình được gọi là “tái tổ chức có quản lý” - thực chất là để di dời họ ra khỏi khu vực nguy hiểm và bỏ mặc ngôi làng cho nước biển xâm lấn.
Chỉ sau một đêm, giá nhà ở làng Fairbourne rơi khủng khiếp. Cư dân nơi đây được mệnh danh là “những người tị nạn khí hậu” đầu tiên của Vương quốc Anh. Nhiều người đã bị sốc và tức giận khi nhiều hãng thông tấn tuyên bố toàn bộ ngôi làng của họ sẽ “ngừng hoạt động”. Bảy năm trôi qua, hầu hết các câu hỏi về tương lai của ngôi làng Fairbourne vẫn chưa được giải đáp.
“Họ đã phá hủy ngôi làng, và bây giờ điều cần làm là phải cố gắng phục hồi lại cuộc sống trước kia cho người dân nơi đây”, ông Eves, người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng cộng đồng địa phương cho biết. “Nếu muốn chúng tôi chuyển ra khỏi Fairbourne vào năm 2054, chính phủ sẽ phải cung cấp chỗ ở mới cho người dân”.
Không một ai muốn rời đi. Nhiều người lớn tuổi đã nghỉ hưu, cũng có những gia đình trẻ đang nuôi dạy thế hệ tiếp theo tại ngôi làng ven biển này. Người dân địa phương tự hào về cộng đồng gắn bó chặt chẽ của họ.
Và mặc dù trung tâm ngôi làng chỉ bao gồm một cửa hàng tạp hóa, một cửa hàng đồ ăn nhanh và một vài nhà hàng, nhưng bãi biển đầy sỏi và những chuyến tàu hơi nước luôn thu hút lượng lớn đám đông nhộn nhịp vào mùa hè.
Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu
Natural Resources Wales, tổ chức do chính phủ tài trợ chịu trách nhiệm bảo vệ bãi biển ở Fairbourne lo ngại, ngôi làng đặc biệt dễ tổn thương vì phải đối mặt với nhiều nguy cơ về lũ lụt.
Được xây dựng vào những năm 1850 trên một đầm lầy ngập mặn thấp, Fairbourne hiện đã nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên.
Khi có bão, mực nước thủy triều thậm chí còn cao hơn 1,5 mét (5 feet) so với mực nước biển tại ngôi làng.
Các nhà khoa học cho biết mực nước biển ở Anh đã tăng khoảng 10 cm (4 inch) chỉ trong thế kỷ qua.
Tùy thuộc vào mức phát thải khí nhà kính và hành động từ phía các chính phủ thực hiện, mức tăng dự đoán sẽ lên đến 70 cm, thậm chí 1 mét vào năm 2100.
Làng Fairbourne nằm ở cửa một cửa sông, điều này càng gia tăng thêm nguy cơ lũ quét từ con sông chảy phía sau này.
Các quan chức đã phải chi hàng triệu bảng Anh để củng cố một bức tường dài gần 2 dặm để phòng thủ thủy triều.
Những tác động của biến đổi khí hậu mà các nhà đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, Scotland đang nỗ lực để giảm thiểu đã trở thành hiện thực ở nơi đây.
Catrin Wager, thành viên Hội đồng Gwynedd, nhấn mạnh, Fairbourne có thể là ngôi làng ven biển đầu tiên của xứ Wales được chỉ định là không thể sinh sống do biến đổi khí hậu, nhưng chắc chắn đây sẽ không phải là ngôi làng duy nhất.
Theo Ủy ban Biến đổi Khí hậu, một cơ quan tư vấn độc lập được thành lập theo Luật Biến đổi khí hậu, trên toàn Vương quốc Anh, nửa triệu bất động sản sẽ có nguy cơ bị nước biển nhấm chìm - và con số rủi ro đó sẽ tăng lên 1,5 triệu vào cuối những năm 2080.
Cuối cùng, “những quyết định khó khăn” cần được đưa ra đối với nhiều khu định cư ven biển với số lượng cư dân lớn tuổi và nghèo hơn. Bên cạnh đó, các quan chức cần chuẩn bị cho người dân di chuyển vào đất liền.
Ngôi làng sẽ không bị bỏ lại
Ở Fairbourne, nhiều cư dân cảm thấy họ đã bị loại ra một cách bất công, và không tin rằng có một khung thời gian rõ ràng về mức độ nhanh chóng của mực nước biển sẽ tăng lên đủ để đe dọa ngôi nhà của họ.
Việc sơ tán sẽ diễn ra khi nào và như thế nào? Liệu họ có được bồi thường không, và nếu có thì phải là bao nhiêu?
Không có câu trả lời. Phó trưởng làng, ông Ruth Hansford cho biết nhiều cư dân đã phải chịu “mệt mỏi về tinh thần” vì nhiều năm sống bấp bênh và chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Những người khác chỉ đơn giản là quyết định tiếp tục cuộc sống của họ.
Becky Offland và chồng gần đây đã nhận hợp đồng cho thuê khách sạn Glan Y Mor, đi ngược lại lời cảnh báo về việc đầu tư vào tương lai của ngôi làng. Họ hy vọng hoạt động kinh doanh này sẽ mang lại nhiều du khách hơn và hỗ trợ tài chính cho Fairbourne.
“Nơi này giống như một đại gia đình. Đó không chỉ còn là một ngôi làng, đó là một gia đình và tất cả chúng tôi sẽ chiến đấu bảo vệ Fairbourne”.
Chủ cửa hàng Fairbourne Chippy, ông Alan Jones, 64 tuổi cho biết, ông không có kế hoạch đi đâu cả. Ông khẳng định: “Cho đến khi nước biển thực sự tràn vào, cho đến khi chúng tôi không thể sinh sống được nữa thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục ở lại Fairbourne”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngoi-lang-bi-bo-roi-o-xu-wales-5672264.html