Ngôi làng 'bước ra từ bóng tối' - Kỳ cuối: Tương lai tươi sáng

Sau khi di dời những hộ dân sinh sống trên đỉnh núi Cheng Leng về làng Hek, các cấp chính quyền đã quan tâm cấp đất ở, dựng lại nhà, tạo điều kiện cho con cái họ được đến trường. Những việc làm thắm đượm nghĩa tình này đã mở ra tương lai tươi sáng cho những phận người mà chỉ trước đó ít lâu thôi còn chìm trong tăm tối, đói nghèo, lạc hậu.

Lớp học đặc biệt

Kể về chuyện những đứa trẻ Cheng Leng được đến trường học chữ, ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) cho rằng, đây là một kỳ tích. Bởi trước đó, mỗi lần thấy có người lên núi vận động học sinh đến trường là các em chạy vào rừng trốn. Cha mẹ chúng thì viện lý do cần người nấu ăn, trông nhà, phụ làm rẫy hoặc bận việc không thể đưa con đi học. “Khi một số người dân Cheng Leng đồng ý di dời làng, chúng tôi đề xuất huyện cho chủ trương đưa con em họ vào học nội trú. Việc này thực hiện trước khi dời làng xuống núi. Xã đã đứng ra thuê xe đón các em từ chân núi đến trường vào sáng thứ hai, ăn ở bán trú, đến chiều thứ sáu thì chở về lại chân núi để các em đi bộ về làng. Đồng thời, xã vận động các nhà hảo tâm và trích quỹ khuyến học của địa phương mua đầy đủ sách vở, quần áo để các em học tập. Khi đó, các phụ huynh mới đồng ý cho con đi học”-ông Toàn kể.

Trẻ em Cheng Leng trong một buổi học tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai). Ảnh: M.T

Trẻ em Cheng Leng trong một buổi học tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai). Ảnh: M.T

Ngôi trường đầu tiên trong đời của những đứa trẻ đến từ núi Cheng Leng là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai). Ksor Yi (con trai anh Nay Bhing) khi đó đã 8 tuổi nhưng mới bắt đầu vào lớp 1. Trước đây, khi còn sống trên núi, mỗi lần thấy thầy-cô giáo lên vận động đi học, Yi đều chạy trốn. Nhưng giờ được đến trường học cái chữ cùng bạn bè, được thầy cô tận tình chăm sóc nên Yi rất thích. Cô bé Ksor HThoang (8 tuổi) cũng là một “ca khó”. Thầy cô phải mất nhiều lần vận động, khuyên nhủ, em mới chịu đến trường. Nhưng những ngày đầu tiên, HThoang cũng chỉ “cầm cự” đến lúc giải lao rồi trốn theo đường mòn về lại làng, nửa tháng sau mới quay trở lại trường. Rồi có lẽ vì thấy được niềm vui ở trường lớp, thấy sự yêu thương chăm sóc của thầy cô dành cho mình, giờ HThoang đã chuyên tâm học hành ổn định.

Thầy Hoàng Minh Thái-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der-nhớ lại: Năm học 2018-2019, trường tiếp nhận 12 học sinh sống ở khu vực núi Cheng Leng. Các em có độ tuổi từ 7 đến 15, tất cả được bố trí học chung chương trình lớp 1 và được 2 giáo viên kèm cặp; được nhà trường bố trí ở chung phòng tại khu nội trú, mỗi em một giường riêng có đầy đủ chăn, màn. “Nhà trường xác định việc nuôi dạy tương đối khó vì các em chưa từng đến trường, chưa được tiếp cận với xã hội bên ngoài. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng chương trình riêng, đồng thời hướng dẫn, tổ chức cho các em vui chơi, hòa nhập với các bạn khác để tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, sau đó mới dạy chữ”-thầy Thái cho hay.

Đánh giá kết quả qua 1 năm học, cô Ksor Hngen-giáo viên chủ nhiệm của lớp-nhận xét: 12 em hiện đều theo học đầy đủ và chỉ có 2 em chưa đủ điều kiện lên lớp đang học lại lớp 1. Các em này vẫn đi học chuyên cần và đều đã biết đọc, biết viết. Đặc biệt, các em Ksor H'Thoat, Ksor Rit tỏ ra nổi trội so với các bạn, tiếp thu bài học nhanh, đọc, viết và tính toán thành thạo. “Tuy nhiên, năm nay, phụ huynh đều xin cho con em về học ở điểm trường tại làng Hek để gần nhà cho tiện việc đi lại. Buổi sáng, các em học chính; buổi chiều, thầy cô phụ đạo thêm”-cô Ksor Hngen cho hay.

Giúp dân ổn định cuộc sống

Thả bộ trên con đường bê tông bằng phẳng, ai cũng vui mừng khi thấy làng Hek giờ đây không còn hình ảnh nhếch nhác, nhà ở chen chúc, lộn xộn, lầy lội và ô nhiễm như trước. Thay vào đó, những ngôi nhà sàn khang trang đã được di dời, sắp xếp lại ngay ngắn; chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh được xây dựng mới tách biệt, kiên cố; hàng cây xanh, con đường hoa được trồng xanh tươi; cơ sở hạ tầng điện, đường, nước sinh hoạt, môi trường cũng được quan tâm đầu tư. Chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây theo đó từng bước được cải thiện. Già Rmah Trông (62 tuổi) vui mừng thổ lộ: “Từ ngày được Nhà nước quan tâm di dời nhà ở từ núi Cheng Leng xuống làng Hek, cuộc sống của người dân làng mình thay đổi nhiều lắm. Bà con được bộ đội dựng lại nhà, kéo lưới làm hàng rào, xây chuồng trại, nhà vệ sinh, rồi còn được hỗ trợ cải tạo vườn trồng rau, trồng cây ăn quả, cây xanh. Xuống đây, cái gì cũng có, con cháu thì được học hành tử tế. Mình vui cái bụng lắm!”.

Bộ đội giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: M.N

Bộ đội giúp dân dựng lại nhà. Ảnh: M.N

Tuy vậy, theo ông Đỗ Ngọc Thành-Bí thư Huyện ủy Phú Thiện, đây mới là kết quả bước đầu, phía trước còn không ít khó khăn. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại làng Hek, ngoài mục tiêu, nhiệm vụ theo Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn (Pông, Pêng, Hek, Trớ) của huyện thì có thêm nhiệm vụ ổn định đời sống cho các hộ dân di dời từ núi Cheng Leng về. “Điểm mấu chốt của đề án là làm thay đổi tập quán sản xuất, quy hoạch lại làng, sắp xếp dân cư nhưng phải giữ được ổn định trong dân, giữ được bản sắc, không được làm xáo trộn đời sống văn hóa tinh thần của bà con tại đây”-ông Thành nói.

Dịp ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đến thăm sau khi làng Hek vừa ổn định nơi ở mới, ông Đinh Dinh-Bí thư chi bộ làng-phấn khởi chia sẻ: “Nhờ lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm giúp đỡ, làng Hek đã được sắp xếp, quy hoạch lại bài bản. Huyện giúp làm 11 trục đường bê tông chia làng thành 8 ô bàn cờ, lấy nhà rông làm khu trung tâm, kéo điện thắp sáng, làm bể nước sạch cho người dân sử dụng. Hơn 100 nóc nhà sàn được sắp xếp, di dời quay mặt ra đường chính, có cổng, ngõ khang trang. Mỗi hộ có 600 m2 đất để làm nhà, vườn rau và chuồng nuôi nhốt gia súc. Chính quyền còn hỗ trợ lưới, trụ bê tông làm hàng rào, nhà nào ra nhà nấy, rất gọn gàng, ngăn nắp”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành khẳng định: Cái được lớn nhất trong việc dời làng, bố trí, sắp xếp lại dân cư để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, thụ hưởng những giá trị nhân văn từ chủ trương xây dựng làng nông thôn mới là sự đồng thuận nhất trí cao trong nhận thức và hành động của bà con dân làng, sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Thành quả từ “ý Đảng, lòng dân” là người dân có một mái nhà yên ổn, cuộc sống dễ dàng hơn, những đứa trẻ được đến trường, vươn ra khỏi những ngôi làng biệt lập, bước ra từ bóng tối.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/201910/ngoi-lang-buoc-ra-tu-bong-toi-ky-cuoi-tuong-lai-tuoi-sang-5655768/