Ngôi làng đặc biệt chăm sóc những mảnh đời khó khăn

Làng Hữu nghị Việt Nam ở thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội là nơi chăm sóc các cựu chiến binh (CCB) tham gia chiến đấu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và cũng là mái nhà của các thế hệ con, cháu các CCB sinh ra sau chiến tranh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Tận tình chăm sóc

Hôm nay là ca trực của chị Phạm Thị Tuyết Thanh, dược sĩ thuộc Trung tâm Y tế Làng Hữu nghị Việt Nam. Với thâm niên công tác 21 năm ở Làng Hữu nghị Việt Nam, chị giới thiệu với chúng tôi từng phòng chức năng trong làng. Ngoài chuyên môn chính là dược sĩ, chị còn kiêm thêm quản lý, dự trù, dự toán cấp phát thuốc, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh. Chị chia sẻ: “Năm 1998, Làng Hữu nghị Việt Nam được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động, tiếp nhận những thành viên đầu tiên là những CCB sức khỏe yếu do ảnh hưởng khi tham gia chiến đấu và các thế hệ trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin là con cháu của các CCB, cựu thanh niên xung phong của 34 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc. Thời gian đầu, làng đón các đoàn CCB đến điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật trong 3 tháng. Sau này, vì mong muốn có thể đón nhận thêm nhiều CCB hơn, Làng Hữu nghị đã rút gọn thời gian điều trị xuống còn 20 ngày”.

 Các cựu chiến binh được khám bệnh chu đáo, cẩn thận.

Các cựu chiến binh được khám bệnh chu đáo, cẩn thận.

Ngoài ra, còn có hơn 100 em được nuôi trong Làng. Hầu hết các em bị chậm phát triển, tâm thần, trong mình mang nhiều bệnh, công việc chăm sóc đòi hỏi phải rất kiên trì và tâm huyết. Đối với những em bị khuyết tật nhưng nhận thức bình thường sẽ được xếp vào các lớp học văn hóa, học nghề hoặc phục hồi chức năng, còn những em nhận thức chậm sẽ được xếp vào những lớp giáo dục đặc biệt.

Trung tâm Y tế Làng Hữu nghị Việt Nam đã phối hợp các biện pháp điều trị về đông y, tây y và cả vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Trong trung tâm có nhiều phòng chức năng khác nhau như X quang, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, phòng vật lý trị liệu, 4 phòng tập phục hồi chức năng - vật lý trị liệu, phòng khám và điều trị nha khoa, phòng khám và điều trị Đông y... Mỗi CCB khi bắt đầu đến đây sẽ được khám lâm sàng, cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, cũng như có chỉ định các phương pháp trị liệu phù hợp đối với từng người.

Chị Vũ Thị Mỹ Tho, điều dưỡng viên chia sẻ: “Các bác khi đến đây, hầu như đều có bệnh mạn tính. Khi đến đây, các CCB được bác sĩ khám xét kỹ lưỡng, đưa ra biện pháp điều trị phục hồi chức năng–vật lý trị liệu phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Rất nhiều bác sau khi được điều trị ở đây, bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe được nâng lên rõ rệt. Sau khi được tập các bài tập được hướng dẫn, sau khoảng 3 đến 5 ngày, các bác đều phản hồi là đã thấy đỡ hơn trước rất nhiều. Không những thế, chúng tôi còn hướng dẫn các bài tập thể dục hằng ngày để hạn chế mức độ thoái hóa xương khớp”.

Hằng ngày các bác CCB sẽ được châm cứu, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt kết hợp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng bằng các bài tập, các thiết bị máy móc khác nhau. Nhiều CCB khi kết thúc liệu trình chữa bệnh ở làng, sức khỏe đã được cải thiện đáng kể.

CCB Phạm Hùng Ly (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Khi vào làng Hữu nghị Việt Nam được cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây đón tiếp niềm nở chu đáo, tôi cảm thấy rất yên tâm. Trong chiến tranh, tôi từng bị thương đến 11 lần. Trong người hiện nay vẫn còn 6 mảnh đạn, thỉnh thoảng khi trái gió trở trời toàn thân đau nhức. Đến đây, tôi được xét nghiệm, khám tổng quan và hằng ngày được thăm khám, tập luyện phục hồi cũng như phát thuốc đầy đủ. Sau 14 ngày, tôi thấy bệnh tình được cải thiện rất nhiều”.

Vá những mảnh đời không lành lặn

Tại làng, các “mẹ” là người trực tiếp quản lý và trông nom, dạy dỗ những đứa trẻ không may này. Có những mẹ đã gắn bó với trung tâm suốt 19 năm, đã đến tuổi hưu trí nhưng vẫn nặng lòng với hơn 100 em nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những công việc tưởng như đơn giản hằng ngày như đánh răng, rửa mặt, thay quần áo nhưng đối với các em đều rất khó khăn, đều cần sự chăm sóc của các mẹ.

Chị Vũ Thị Mỹ Tho tâm sự: “Ở đây cũng có những hoàn cảnh rất đặc biệt, nhiều em bị đa tàn tật câm, điếc, mù, hầu như không thể tiếp xúc được với thế giới bên ngoài. Với em mình chủ yếu cho các em cảm nhận qua xúc giác, sờ nắn, xoa bóp tay chân, cũng như là cho các em đi lại trên những địa hình khác nhau. Chúng tôi đều cố gắng để các em có những tiếp xúc nhiều nhất với môi trường bên ngoài”.

 Lớp học nghề vi tính của cô trò Làng Hữu nghị Việt Nam.

Lớp học nghề vi tính của cô trò Làng Hữu nghị Việt Nam.

Ở Làng Hữu nghị Việt Nam, các em được hướng dẫn dạy nghề như tin học văn phòng, thêu tranh, may, dệt, làm thiệp, làm hoa trang trí. Qua việc dạy nghề cho các em, để các em vận động cũng giúp phần nào phục hồi chức năng, nâng cao trí lực, hướng các em có được một nghề sau này có thể tự xoay sở trong cuộc sống. Nhìn những tác phẩm thêu tay, ít ai nghĩ chúng được làm từ những đôi bàn tay của những trẻ em đặc biệt này.

Đặc biệt trong năm 2019, Làng Hữu nghị Việt Nam đã quyên góp hỗ trợ cho gia đình cháu Nguyễn Thị Oanh (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) bị bại liệt 2 chi dưới số tiền hơn 30 triệu đồng cho dự án "vườn, ao, chuồng" chăn nuôi gà, vịt và thả cá. Đây chỉ là một trong 5 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ từ phía Làng Hữu nghị Việt Nam, với mong muốn các em khi trở lại cộng đồng có thể nhanh chóng hòa nhập cũng như phát triển kinh tế của gia đình.

Khó khăn về kinh phí, không ngăn được tình cảm

Tuy hiện nay, nguồn kinh phí duy trì hoạt động của Làng Hữu nghị Việt Nam đang ngày càng hạn hẹp dần, nhưng không vì thế mà bữa ăn của những hoàn cảnh đặc biệt này bị giảm đi. Các mẹ đã tận dụng khoảng đất sau trường để trồng thêm những luống rau. Khi thì rau cải, lúc thì mớ rau muống, làm sao cho bữa ăn của các con luôn được đủ đẩy đã là niềm vui thực sự với các cô. Chị Thanh, ngoài vai trò là dược sĩ, cô còn kiêm thêm công tác truyền thông và đối ngoại của của làng. Chị chia sẻ: “Cứ mỗi dịp lễ như 1-6, 27-7, Tết cổ truyền dân tộc mình phải chạy vạy khắp các đơn vị, các tổ chức để xin tài trợ quà, mong sao cho các CCB, các em nhỏ đều được chung vui, mỗi người có chút quà”.

Qua hơn 20 năm hoạt động, Làng Hữu nghị Việt Nam đã trở thành mái nhà yêu thương, san sẻ với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Đối với mỗi cán bộ, công nhân viên ở làng, mỗi người khi đến đây, đều được chăm lo như những người trong gia đình. Vì đối với những người như chị Thanh, chị Tho, mỗi CCB khỏe, mỗi một em ngoan là niềm vui của các chị sẽ ngày càng trọn vẹn.

Bài và ảnh: TRỊNH NGHĨA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngoi-lang-dac-biet-cham-soc-nhung-manh-doi-kho-khan-629022